Quốc hội muốn quản lý lương "khủng" lãnh đạo doanh nghiệp bằng luật

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Chế định về doanh nghiệp Nhà nước là vấn đề gây nhiều tranh luận nhất tại phiên thảo luật Luật Doanh nghiệp sửa đổi của Thường vụ Quốc hội ngày 9/9.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét dự luật chưa nói rõ nguyên tắc chi tiền lương đối cán bộ chủ chốt, trong khi khoản này nên được xác định dựa trên hiệu quả làm ăn thực tế của đơn vị.

Cụ thể hơn, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) dẫn ra 2 điều cụ thể, một quy định hội đồng thành viên quyết định tiền lương thưởng đối với các chức danh do mình bổ nhiệm. Một điều khác quy định lương, thưởng của chủ tịch công ty do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và được tính vào chi phí quản lý. "Nhưng cả hai quy định này đều chưa rõ tiền lương, thưởng này được xác định thế nào", ông Lợi thắc mắc.

Nhắc lại những ví dụ lùm xùm chuyện lương khủng tại một số doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua, trong đó có lãnh đạo nhận tới vài trăm triệu mỗi tháng, ông Lợi cho rằng nguyên nhân là các đơn vị này đã mang tiền lương của khu vực quản lý hòa với thang bảng lương của khu vực sản xuất kinh doanh, dẫn đến việc lãnh đạo nhận cả phần lương của người lao động.

Vị chuyên gia chuyên nghiên cứu về lương cũng nói thêm, dù hiện Nghị định 51 đã quy định lương cán bộ quản lý của khối này tối đa là 36 triệu đồng, cộng thêm 50% trong trường hợp làm ăn có hiệu quả, song như thế vẫn chưa rõ việc gắn với hiệu quả kinh doanh. “Thế thì cứ anh nào đang làm cán bộ mà được bổ nhiệm làm giám đốc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thì quá là sướng. Đó là khe hở, nếu không xử lý trong lần sửa đổi Luật này là điều đáng tiếc”, ông Lợi cảnh báo.

“Nguyên tắc bất di bất dịch là lương phải gắn hiệu quả sản xuất. Không thể cào bằng theo kiểu 38 triệu, trong khi hiệu quả doanh nghiệp rất khác nhau”, Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bổ sung.

Bà Mai cũng cho rằng không chỉ lương của chủ tịch mà với các chức danh chủ chốt của doanh nghiệp nên giao cho chủ sở hữu quyết định, có báo cáo hàng năm. “Như thế sẽ chặt chẽ hơn, bớt được ồn ào dư luận như thời gian qua”, Bà Mai nói.

Nhận xét về việc có hẳn một chương riêng cho loại hình doanh nghiệp này, theo đại biểu Trần Du Lịch (Phó đoàn TP. Hồ Chí Minh), quy định vậy là không nên “Nếu đã chế định thì phải định nghĩa. Trong khi với tập đoàn Nhà nước, luật không định nghĩa thế nào là tập đoàn. Vì thế tôi đề nghị không chế định trong luật”, ông Lịch nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước cũng nên tổ chức như một công ty cổ phần, với cổ đông là Chính phủ. “Tổng giám đốc có thể thuê chứ không cần bổ nhiệm, nhưng ban kiểm soát thì nên để Bộ tài chính bổ nhiệm, từ các kế toán viên đăng ký hành nghề”, ông đề xuất và nhấn mạnh: “Phải tránh tình trạng ban kiểm soát “nằm dưới” hội đồng quản trị”.

Trong khi đó Phó chủ tịch Uông Chu Lưu thì nêu quan điểm không những phải chế định công ty 100% vốn Nhà nước mà cũng cần những quy định tương tự với doanh nghiệp Nhà nước mà cổ đông này nắm tỷ lệ đa số.

Dù có quan điểm trái ngược với Phó đoàn TP. Hồ Chí Minh về chế định loại hình doanh nghiệp này trong luật song Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lại thống nhất cao về đề xuất về cơ chế kiểm soát.

“Cần phải tách bách Ban Kiểm soát ra bẳng việc không ăn lương tại doanh nghiệp mà sẽ nhận lương từ Nhà nước. Thành viên Ban này cũng không thể để hội đồng quản trị bổ nhiệm mà có thể do Bộ trưởng Tài chính quyết định vì số lượng doanh nghiệp này cũng còn không nhiều, với con số hàng chục thôi”, Chủ tịch Quốc hội đề xuất.

Dự kiến Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ được trình để Quốc hội thông qua tại kỳ họp khai mạc tháng 10 tới.