Quy định chặt về ân hạn thuế
Có một điểm chung mà chúng tôi ghi nhận được ở các đơn vị thuộc Cục Hải quan Hải Phòng, đó là việc cần thiết của chủ trương sửa Luật Hải quan cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, tạo hành lang pháp lí thuận lợi cho cơ quan quản lí và người dân, DN khi thực hiện. Tùy vào từng lĩnh vực quản lí, các Chi cục đã có những đóng góp hết sức cụ thể.
Ông Vũ Quốc Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) cho biết, vấn đề quan trọng dự kiến quy định trong Luật và cũng là mục tiêu phát triển của Hải quan Việt Nam là giảm tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa, tăng tỉ lệ hàng hóa được phân vào luồng Xanh (Mục tiêu trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 theo Quyết định 448/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa đến năm 2015 là dưới 10% và đến năm 2020 phấn đấu đạt dưới 7% - PV).
Như vậy hàng thuộc luồng Xanh sẽ không phải nộp một số chứng từ cho cơ quan Hải quan. Điều này gây khó khăn cho công tác KTSTQ, hoạt động vốn dựa nhiều vào việc phân tích hồ sơ hải quan, nên hồ sơ càng chi tiết, đầy đủ sẽ giúp cho CBCC thuận tiện và đạt hiệu quả cao hơn trong thực thi nhiệm vụ. Xuất phát từ thực tế đó, ông Vũ Quốc Dương đề xuất, Luật cần quy định rõ trách nhiệm của DN trong việc lưu giữ đầy đủ chứng từ liên quan đến hồ sơ của hàng hóa XNK và có trách nhiệm xuất trình cho cơ quan Hải quan khi được yêu cầu.
Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV I và Chi cục Hải quan Quản lí hàng đầu tư gia công, vấn đề mà các đơn vị quan tâm là việc sửa Luật Hải quan và cả Luật Quản lí thuế cần có quy định chặt chẽ về ân hạn thuế. Bởi thực tế có không ít trường hợp DN lợi dụng ân hạn để trây ỳ, trốn thuế. Đại diện Chi cục Hải quan Quản lí hàng đầu tư gia công ví dụ trường hợp Công ty TNHH công nghệ tin học DAST (Hà Nội) mở tờ khai nhập kinh doanh mặt hàng “máy xúc bánh xích do Nhật Bản sản xuất, có phụ tùng rời đồng bộ đi kèm” năm 2010.
Lô hàng có số tiền thuế GTGT hơn 626 triệu đồng (thuế NK 0%). Tuy nhiên, hết thời gian được ân hạn DN vẫn không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào NSNN. Chi cục đã thực hiện nhiều biệân pháp đốc thu như gửi thông báo thuế, cử cán bộ đi điều tra xác minh trực tiếp, ra quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan… nhưng đều không hiệu quả. Đến nay, DN này vẫn đang nợ toàn bộ số tiền thuế của lô hàng NK từ năm 2010.
Không chỉ có Công ty trên, thực tế đã có nhiều DN lợi dụng quy định ưu đãi này để trây ỳ, nợ đọng thuế. Do đó, các đơn vị đề xuất, trong Luật Hải quan, Luật Quản lí thuế được sửa đổi sắp tới cần có quy định DN phải nộp thuế ngay hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng mới được thông quan hàng hóa. Điều này sẽ giúp cho Nhà nước tránh được thất thu ngân sách do DN cố tình trốn thuế, đồng thời cơ quan Hải quan cũng giảm tải công việc do phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc các DN nợ thuế trong khi số DN này thường không có thái độ hợp tác với cơ quan Hải quan.
Một điểm nữa trong Luật Hải quan là cần đưa ra chế tài xử lí mạnh hơn nữa (như xử lí hình sự) đối với DN, cá nhân cố tình trốn thuế, vì các chế tài xử lí hành chính hiện nay (phạt tiền, cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan…) chưa thực sự hiệu quả. Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV I lấy ví dụ, khi cơ quan Hải quan sử dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục, các ông chủ (của DN đang nợ thuế) sẽ thành lập DN mới và làm thủ tục NK hàng ở đơn vị hải quan khác hoặc nhờ những DN quen biết nhập hộ hàng…
Vấn đề sửa Luật Hải quan gắn với thực hiện thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) cũng là nội dung giành được sự quan tâm của các chi cục. Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KV II, hiện nay, TTHQĐT đã trở thành một phương thức phổ biến tại Hải Phòng và cả nước. Tương lai gần, hoạt động này sẽ có sự phát triển mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhưng để làm được điều đó thì sự cố gắng của cơ quan Hải quan chưa đủ vì hoạt động của cơ quan Hải quan liên quan đến nhiều bộ, ngành khác.
Do vậy, Luật Hải quan sửa đổi cần luật hóa quy định “điện tử hóa” các quy định, thủ tục liên quan đến hoạt động XNK của các bộ, ngành. “Nếu chỉ riêng cơ quan Hải quan “điện tử hóa” mà giấy phép liên quan đến XNK của các bộ, ngành vẫn sử dụng dưới dạng giấy thì mới chỉ thực hiện “hải quan điện tử nửa vời” - một lãnh đạo chi cục chia sẻ”. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề này tại Quyết định 448 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu “Tỉ lệ các giấy phép XNK thực hiện trong cơ chế một cửa hải quan quốc gia đến năm 2015 là 50% và đến 2020 là 90%”.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng KVII, để việc quản lí hải quan đạt hiệu quả cao trong bối cảnh hoạt động XNK ngày càng rộng mở, đa dạng thì trong Luật nên có quy định về cơ chế quản lí riêng đối với những loại hình XNK đặc thù như tạm nhập tái xuất (TNTX); hàng hóa của cư dân biên giới; hàng hóa của DN nằm trong khu kinh tế; hàng do DN Việt Nam nhập về bán cho DN trong khu chế xuất…
Ví dụ hiện nay hàng hóa do DN Việt Nam nhập về bán cho DN trong khu chế xuất vẫn được xem là một loại hình kinh doanh nội địa, nhưng về bản chất đây là một loại hình TNTX, nên phải có tiêu chí quản lí như đối với loại hình TNTX.