Quy định mới đối với kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự kể từ tháng 10/2020
Kể từ ngày 01/10/2020, kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự sẽ thực hiện theo quy định mới được ban hành tại Thông tư số 78/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, thay thế Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/06/2010 hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự.
Thông tư số 78/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự để hạch toán kế toán các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến thi hành án dân sự, bao gồm: Tiền, tài sản phát sinh trong quá trình thi hành án theo từng quyết định thi hành án; tình hình quản lý tiền, tài sản, vật chứng...
Kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự sử dụng đồng Việt Nam làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán. Trường hợp thu - chi bằng ngoại tệ phải ghi sổ theo nguyên tệ và quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán.
Đối với vàng, bạc, đá quý khi thu vào, xuất ra để tạm giữ hay thanh toán trả cho đương sự thì phải theo dõi số lượng, trọng lượng và quy ra tiền theo đơn giá hạch toán, đồng thời theo dõi chi tiết số lượng, trọng lượng, phẩm cấp và giá trị vàng, bạc, đá quý theo từng quyết định thi hành án...
Các cơ quan Thi hành án dân sự phải kiểm kê định kỳ và kiểm kê bất thường để xác định số tiền quỹ có trong két, tài sản, vật chứng bảo quản trong kho đảm bảo khớp đúng với số liệu ghi trong sổ kế toán tại thời điểm kiểm kê. Trường hợp kết quả kiểm kê có chênh lệch với sổ kế toán thì phải kiểm tra, rà soát, tìm nguyên nhân và báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý số chênh lệch đó, nếu thiếu thì phải quy trách nhiệm vật chất để xử lý. Căn cứ vào ý kiến xử lý chênh lệch kết quả kiểm kê, kế toán tiến hành điều chỉnh lại sổ kế toán để đảm bảo cho số liệu trên sổ kế toán khớp đúng với số thực tế.
Thông tư số 78/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng quy định về các nội dung cụ thể liên quan đến chứng từ kế toán, Tài khoản kế toán và hệ thống tài khoản kế toán, Sổ kế toán, Báo cáo tài chính và báo cáo nghiệp vụ thi hành án dân sự.
Cụ thể, đối với chứng từ kế toán, mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến hoạt động nghiệp vụ thi hành án dân sự đều phải được lập chứng từ kế toán. Mọi số liệu ghi trên sổ kế toán đều phải có chứng từ kế toán hợp lệ, hợp pháp chứng minh. Chứng từ kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự chỉ được lập một lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh, đảm bảo rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, phản ánh thông tin chính xác. Chứng từ kế toán phải đáp ứng tối thiểu 7 nội dung quy định tại Điều 16 của Luật Kế toán, phù hợp với việc ghi chép kế toán và yêu cầu quản lý của đơn vị. Đối với mẫu chứng từ đặc biệt như Séc, giấy tờ có giá phải được bảo quản và quản lý như tiền.
Chứng từ kế toán lưu ở bộ phận kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự phải là bản chính, trừ trường hợp chứng từ liên quan đến các khoản chi cưỡng chế thi hành án, chi cho hoạt động thừa phát lại và hoạt động khác do ngân sách bảo đảm theo quy định của pháp luật thì kế toán dự toán của đơn vị lưu giữ bản chính. Căn cứ chứng từ gốc, đơn vị thực hiện việc sao chụp thêm 01 bản để phục vụ hạch toán kế toán nghiệp vụ thi hành án. Ngoài ra trường hợp chứng từ chỉ có 01 bản chính mà phải lưu ở hồ sơ kế toán nghiệp vụ thi hành án và hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên, thì kế toán nghiệp vụ thi hành án lưu giữ bản chính, hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên lưu bản sao chụp. Chứng từ sao chụp phải được chụp từ bản chính. Trên chứng từ kế toán sao chụp phải có chữ ký và dấu xác nhận của Thủ trưởng đơn vị hoặc người được ủy quyền. Kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự được sử dụng chứng từ điện tử trong quá trình thi hành án theo quy định của pháp luật về kế toán...
Đối với tài khoản kế toán và hệ thống tài khoản kế toán, theo quy định của Thông tư số 78/2020/TT-BTC, tài khoản kế toán dùng để phân loại và hệ thống hóa các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo nội dung kinh tế và theo trình tự thời gian. Tài khoản kế toán phản ánh và kiểm soát thường xuyên, liên tục, có hệ thống tình hình thu, chi, nhập xuất tiền, tài sản, vật chứng trong hoạt động thi hành án, kết quả hoạt động thi hành án bằng tiền, tài sản ở cơ quan Thi hành án dân sự các cấp.
Tài khoản kế toán được mở cho từng đối tượng kế toán có nội dung kinh tế riêng biệt. Hệ thống tài khoản bao gồm toàn bộ các tài khoản kế toán sử dụng trong kế toán nghiệp vụ thi hành án, được quy định thống nhất về loại tài khoản, số lượng tài khoản, ký hiệu, tên gọi và nội dung ghi chép của từng tài khoản. Hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự gồm các tài khoản trong bảng và các tài khoản ngoài bảng:
Một là, các tài khoản trong bảng phản ánh toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo các đối tượng kế toán, được hạch toán theo phương pháp ghi sổ kép.
Hai là, các tài khoản ngoài bảng phản ánh những đối tượng kế toán đã được hạch toán trên tài khoản trong bảng nhưng cần được theo dõi chi tiết thêm để phục vụ cho yêu cầu quản lý như ngoại tệ các loại. Ngoài ra tài khoản ngoài bảng còn phản ánh cả tài sản, vật chứng mà cơ quan Thi hành án thu được nhưng chưa xác định được giá trị hoặc đã được niêm phong, hạch toán theo giá quy ước. Tài khoản ngoài bảng được hạch toán theo phương pháp ghi sổ đơn (không hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản).
Ngoài ra, các cơ quan Thi hành án dân sự các cấp phải căn cứ vào hệ thống tài khoản kế toán ban hành tại Thông tư này để vận dụng tài khoản kế toán áp dụng phù hợp cho đơn vị. Đơn vị được bổ sung tài khoản kế toán trong các trường hợp sau: Bổ sung thêm tài khoản chi tiết cho các tài khoản đã được quy định trong danh mục hệ thống tài khoản kế toán tại Phụ lục 02 kèm theo Thông tư này để phục vụ yêu cầu quản lý của đơn vị; Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản bổ sung tài khoản ngang cấp với tài khoản đã được quy định trong danh mục hệ thống tài khoản tại Phụ lục 02 kèm theo Thông tư này...
Về sổ kế toán, các cơ quan Thi hành án dân sự phải mở sổ kế toán để ghi chép, hệ thống hóa và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự. Mỗi đơn vị chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm, bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết. Đơn vị phải mở đầy đủ các sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết và thực hiện đầy đủ, đúng nội dung, trình tự và phương pháp ghi chép đối với từng mẫu sổ kế toán.
Theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm để ngoài sổ sách kế toán bất kỳ một khoản thu, chi, hay tài sản, tiền quỹ, công nợ, vật chứng liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự. Việc bảo quản, lưu trữ sổ kế toán thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán, các văn bản có liên quan và quy định tại Thông tư này...