Quy định mới về đăng ký doanh nghiệp

Thanh Hằng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 168/2025/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025.

Nghị định quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh; việc liên thông thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử; cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, khai thác và chia sẻ thông tin doanh nghiệp; quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh…

Nghị định số 168/2025/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025.
Nghị định số 168/2025/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025.

Nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Người thành lập hoặc doanh nghiệp tự kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực, chính xác của hồ sơ đăng ký và các báo cáo. Nếu công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần có nhiều người đại diện theo pháp luật, người thực hiện đăng ký phải bảo đảm đúng quyền hạn, nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ, nhưng không chịu trách nhiệm về các vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, cũng không giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan.

Doanh nghiệp không bắt buộc đóng dấu trong hồ sơ đăng ký như văn bản đề nghị, biên bản họp, nghị quyết hoặc quyết định; việc đóng dấu với tài liệu khác thực hiện theo quy định pháp luật. Doanh nghiệp được quyền thực hiện đồng thời nhiều thủ tục đăng ký thay đổi, cập nhật hoặc hiệu đính thông tin trong một bộ hồ sơ.

Quyền thành lập doanh nghiệp, nghĩa vụ đăng ký doanh nghiệp

Nghị định nêu rõ, thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật là quyền của cá nhân, tổ chức và được Nhà nước bảo hộ. Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Nghiêm cấm Cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan khác gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân trong khi tiếp nhận hồ sơ và giải quyêt thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh

Nghị định nêu rõ, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh được cấp cho doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh được ghi trên cơ sở thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký thuế của doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký thuế của chi nhánh, văn phòng đại diện. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện không phải là giấy phép kinh doanh.

Mã số doanh nghiệp, mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp

Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số doanh nghiệp duy nhất, đồng thời là mã số thuế, tồn tại suốt quá trình hoạt động và không cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, mã số này hết hiệu lực. Mã số doanh nghiệp được tạo tự động qua Hệ thống đăng ký doanh nghiệp, đồng thời là cơ sở quản lý, trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Mã số được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Chi nhánh, văn phòng đại diện được cấp mã số đơn vị phụ thuộc cũng là mã số thuế của đơn vị đó. Địa điểm kinh doanh được cấp mã gồm 5 chữ số (00001–99999), không phải mã số thuế. Khi mã số thuế của doanh nghiệp, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện bị chấm dứt hiệu lực theo quy định, các đơn vị không được sử dụng mã số này trong giao dịch từ thời điểm có thông báo công khai của cơ quan thuế.

Chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập trước 1/11/2015 nhưng chưa có mã số phụ thuộc cần liên hệ cơ quan thuế để được cấp và đăng ký lại với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Doanh nghiệp thành lập theo Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư (có giá trị như Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) sử dụng mã số thuế đã được cấp làm mã số doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp và mã số đơn vị phụ thuộc còn được sử dụng làm mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội.

Đăng ký tên doanh nghiệp

Theo Nghị định, doanh nghiệp không được đăng ký tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, trừ trường hợp doanh nghiệp đó đã giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản. Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền quyết định việc chấp thuận tên dự kiến; ý kiến của cơ quan này là quyết định cuối cùng. Nếu không đồng ý, người thành lập doanh nghiệp có thể khởi kiện theo quy định về tố tụng hành chính.

Doanh nghiệp thành lập trước ngày 1/7/2015 theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản tương đương được tiếp tục sử dụng tên đã đăng ký, dù có trùng hoặc gây nhầm lẫn. Tuy vậy, các doanh nghiệp trùng tên được khuyến khích tự thỏa thuận để đổi tên. Doanh nghiệp cũng không được đặt tên vi phạm quy định của Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng và các luật chuyên ngành khác.

Đăng ký tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp. Ngoài tên bằng tiếng Việt, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

Phần tên riêng trong tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ "công ty", "doanh nghiệp". Đối với những doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp Nhà nước trước khi tổ chức lại.

Cơ quan đăng ký kinh doanh

Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh) và ở xã, phường, đặc khu (cấp xã), bao gồm:

Ở cấp tỉnh: Cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có địa chỉ tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi địa phương quản lý trừ trường hợp quy định tại điểm b dưới đây. Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Cơ quan đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh.

Ban quản lý khu công nghệ cao cấp đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có địa chỉ đặt trong khu công nghệ cao. Nghị định nêu rõ, Cơ quan đăng ký kinh doanh quy định trên (Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh) có tài khoản và con dấu riêng.

Ở cấp xã: Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc) thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã (Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã). Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã có tài khoản và con dấu riêng để phục vụ công tác đăng ký kinh doanh.