Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 01/2018/TT-BNV hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Thông tư quy định rõ về thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm. Theo đó, những chương trình, khóa bồi dưỡng, tập huấn sau đây được tính vào việc thực hiện hình thức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc tối thiểu hàng năm của cán bộ, công chức, viên chức: Các chương trình bồi dưỡng theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; các khóa tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ; các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài.
Thời gian tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn quy định trên được cộng dồn để tính thời gian thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm. Trường hợp khóa bồi dưỡng, tập huấn tổ chức kéo dài sang năm sau thì được tính vào việc thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm của năm mà khóa bồi dưỡng, tập huấn bắt đầu.
Về điều kiện để được cấp chứng chỉ bồi dưỡng, Thông tư quy định chứng chỉ bồi dưỡng được cấp cho những học viên có đủ các điều kiện: Tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng; có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, khóa luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng; các bài kiểm tra, viết thu hoạch, khóa luận, đề án phải đạt từ 05 điểm trở lên (chấm theo thang điểm 10); chấp hành quy chế, nội quy học tập của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
Tổ chức bồi dưỡng ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước
Theo Thông tư, các cơ quan, đơn vị được giao theo thẩm quyền tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài có nhiệm vụ: Xây dựng và phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài; xây dựng nội dung, chương trình chi tiết của khóa bồi dưỡng khi kế hoạch được phê duyệt.
Đồng thời phổ biến tới từng thành viên của đoàn trước khi đi bồi dưỡng: Các quy định về việc quản lý đoàn và cán bộ, công chức, viên chức đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; khái quát về pháp luật, văn hóa, tôn giáo của nước sở tại; nội dung, chương trình khóa bồi dưỡng và các chế độ liên quan.
Trách nhiệm và nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài là: Chấp hành đầy đủ quy định về quản lý đoàn và cán bộ, công chức, viên chức đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; tuân thủ sự chỉ đạo của trưởng đoàn; chấp hành luật pháp, tôn trọng phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của nước đến học tập, nội quy của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và cơ sở lưu trú; báo cáo kết quả học tập theo quy định.
Những trường hợp sau đây, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức: Trưởng đoàn thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra những hiện tượng tiêu cực; hoạt động của đoàn trong thời gian ở nước ngoài không đúng với mục đích và không hoàn thành chương trình của khóa bồi dưỡng; cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng không chấp hành quy định của đoàn, bỏ học không có lý do; vi phạm nội quy của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc pháp luật của nước sở tại; không chấp hành các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, kỷ luật phát ngôn, giữ bí mật của Nhà nước; về nước không đúng thời hạn (trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép)…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2018.