Quy định mới về giao dịch không thanh toán bằng tiền mặt
(Tài chính) Thanh toán bằng tiền mặt được hiểu là việc tổ chức, cá nhân trực tiếp chi trả hoặc thực hiện các nghĩa vụ trả tiền khác trong các giao dịch thanh toán.
Theo Nghị định số 222/2013/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/3/2014), “tiền mặt” là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành - tức đồng Việt Nam.
Nghị định 222/2013/NĐ-CP quy định một số giao dịch không được thanh toán bằng tiền mặt trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, có 2 loại giao dịch - là những giao dịch dễ bị tội phạm lợi dụng để “rửa tiền” - bị cấm thanh toán bằng tiền mặt, gồm:1/ Giao dịch chứng khoán:
- Áp dụng đối với các giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán, được thực hiện tại thị trường tập trung. Đối với giao dịch trên thị trường phi tập trung thông qua các giao dịch điện tử, phương thức thanh toán sẽ do người mua và người bán thoả thuận. Tuy nhiên hiện nay các giao dịch này thường được thanh toán bằng cách chuyển khoản.
- Các giao dịch chứng khoán đã được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán.
2/ Giao dịch tài chính của doanh nghiệp:
- Bao gồm các giao dịch góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng thì không được vay và cho vay bằng tiền mặt.
Hiện nay có nhiều doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng nhưng lại thực hiện hoạt động cho vay đối với các khoản tiền “nhàn rỗi” của doanh nghiệp, việc này là không đúng với quy định của pháp luật, bởi lẽ pháp luật cũng đã quy định rất rõ về việc dịch vụ tiền mặt là hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng. Các doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng cần lưu ý vấn đề này.