Quy định mới về xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan
(Tài chính) Ngày 22/12/2014 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 203/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng trong khu vực giám sát hải quan nhằm thể chế, hướng dẫn các quy định mới của Luật Hải quan, Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/2/2015 và được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trong tiến trình xử lý hàng tồn đọng tại các cửa khẩu, cảng biển thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
Từ các căn cứ pháp lý và thực tiễn nêu trên, Thông tư số 203/2014/TT-BTC được ban hành hướng dẫn xử lý hàng tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BTC. Thông tư 203/2014/TT-BTC có một số nội dung mới bao gồm:
Một là, Sửa đổi phạm vi hàng hóa tồn đọng đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Hải quan năm 2014: Thông tư đã quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh của Thông tư tại Điều 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Hải quan.
Hai là, quy định về Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng: Thông tư quy định Cục trưởng Cục Hải quan có trách nhiệm thành lập Hội đồng thường trực để xử lý hàng hóa tồn đọng theo từng năm, trường hợp địa bàn hoạt động hải quan ít phát sinh hàng hóa tồn đọng thì có thể thành lập Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng theo vụ việc nhằm đảm bảo việc xử lý hàng hóa tồn đọng được nhanh chóng.
Đối với thành phần Hội đồng: Chỉ quy định cụ thể Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Cục Hải quan và các thành viên Hội đồng; tùy tình hình thực tế, Cục trưởng Cục Hải quan quyết định cụ thể các Phó Chủ tịch Hội đồng trong số các thành viên Hội đồng để phù hợp với từng địa bàn và từng vụ việc xử lý cụ thể. Đồng thời, Thông tư cũng bổ sung quy định trách nhiệm chủ trì xác định giá trị hàng hóa tồn đọng cho đại diện Sở Tài chính.
Ba là, sửa đổi thời hạn xác lập quyền sở hữu đối với hàng hóa tồn đọng từ 05 ngày làm việc thành 07 ngày làm việc cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/4/2014 của Chính phủ quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
Về nội dung chi liên quan đến chi phí bảo quản hàng hóa tồn đọng, bao gồm: chi phí lưu cảng, kho, bãi, lưu vỏ container, chi phí phục vụ container hàng đông lạnh và các chi phí khác liên quan đến bảo quản hàng hóa (nếu có) kể từ thời điểm có quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
Toàn bộ các chi phí bảo quản hàng hóa tồn đọng trước ngày Cục trưởng Cục Hải quan ra quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước do chủ hàng hóa hoặc người vận chuyển chi trả; trường hợp không xác định được chủ hàng hóa, chủ hàng hóa từ bỏ hoặc sau 1 năm kể từ ngày kết thúc việc xử lý chủ hàng hóa, người vận chuyển không chi trả thì doanh nghiệp quản lý hàng hóa tồn đọng được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.
Thông tư cũng quy định cụ thể các bước thực hiện, nội dung công việc và thời hạn thực hiện từng bước từ khâu thông báo, kiểm kê, phân loại, xác lập quyền sở hữu của nhà nước, lập phương án xử lý hàng hóa, phê duyệt phương án xử lý hàng hóa đến khâu tổ chức thực hiện phương án xử lý.
Do có sự thay đổi về cách thức thành lập Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng, để xử lý trong quá trình chuyển tiếp, Thông tư quy định: Đối với hàng hóa tồn đọng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà chưa quyết định phê duyệt phương án xử lý thì được xử lý theo quy định tại Thông tư này; đồng thời, quy định trường hợp chưa có quyết định phê duyệt phương án xử lý nhưng các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện thủ tục thông báo, kiểm kê, phân loại hàng hóa tồn đọng theo các quy định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện các bước tiếp theo theo quy định tại Thông tư này.
Để nhanh chóng đưa Thông tư đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả , trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tổ chức tập huấn các nội dung của Thông tư số cho các đối tượng: Cơ quan Hải quan các cấp, một số doanh nghiệp kinh doanh cảng, doanh nghiệp vận tải có hàng hóa tồn đọng, Sở Tài chính thuộc các địa bàn hoạt động hải quan có phát sinh nhiều hàng hóa tồn đọng.