Quy hoạch sông Hồng được duyệt: Giao trách nhiệm quản lý đất đai

Theo Phương UYên/diendandoanhnghiepn.vn

Để thực hiện tốt quy hoạch sông Hồng chính quyền địa phương phải có giải pháp quản lý đất đai chặt chẽ, có thể tính tới việc tạm dừng giao dịch cho đến khi có quy hoạch chi tiết.

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có hai phường Phúc Tân và Chương Dương nằm trong diện quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có hai phường Phúc Tân và Chương Dương nằm trong diện quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000, Hà Nội chấp thuận những nội dung quan trọng, gắn liền với sinh kế mà người dân hết sức quan tâm. 

Bảo vệ các khu dân cư

Cụ thể, các khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc 4 quận trung tâm: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng (trừ một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn) sẽ được tồn tại, bảo vệ. Các khu vực này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất và phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo đó, các khu vực đất nhóm nhà ở hiện có xuống cấp, phần đất ở còn lại sau khi mở đường quy hoạch và một số các khu vực đất hiện có trong khu vực nội đô lịch sử khi tiến hành cải tạo có thể đề xuất theo hướng cải tạo xây mới, tái thiết đô thị để xây dựng các công trình hoặc cụm công trình theo hướng giảm mật độ xây dựng. Dành không gian trống cho sân vườn, giao thông nội bộ... cải thiện không gian sống cho người dân.

Đáng chú ý, quy hoạch cho phép được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân cư nằm rải rác gần khu vực với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có. Đối với các công trình chịu lũ, tầng 1 thiết kế theo hướng để trống hoặc sử dụng đỗ xe, sinh hoạt công cộng... để thích ứng và giảm thiểu thiệt hại khi có lũ. 

Các khu vực bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng thuộc: Đông Dư - Bát Tràng; Kim Lan - Văn Đức, Hoàng Mai - Thanh Trì có thể nghiên cứu để khai thác sử dụng cho phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Đê điều; diện tích xây dựng không vượt quá 5% diện tích bãi sông. 

Ngoài việc đưa ra định hướng đối với các khu dân cư, quy hoạch cũng phân bổ quỹ đất xây dựng tại khu vực 6 bãi sông. Tại các bãi này được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5%.

Cụ thể: Bãi Tàm Xá - Xuân Canh, khu vực dân cư tập trung có diện tích 34 ha. Đây là khu vực được quy hoạch xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, diện tích xây dựng mới không được vượt quá 61,2ha; Bãi Thượng Cát - Liên Mạc, khu vực dân cư tập trung có diện tích 36,4 ha, có thể nghiên cứu xây dựng mới với diện tích tối đa 3,45ha; Bãi Hoàng Mai - Thanh Trì, khu vực dân cư tập trung diện tích 425 ha, có thể nghiên cứu xây dựng mới với diện tích tối đa 53 ha;

Bãi Chu Phan - Tráng Việt, khu vực dân cư tập trung với 220ha, có thể nghiên cứu xây dựng mới với diện tích tối đa 12,7ha; Bãi Đông Dư - Bát Tràng, khu vực dân cư tập trung có diện tích 103 ha, có thể nghiên cứu xây dựng mới diện tích tối đa 3,15ha; Bãi Kim Lan - Văn Đức, khu vực dân cư tập trung có 72ha, có thể nghiên cứu xây dựng mới diện tích tối đa 18,95ha.

Những bãi sông này được đề xuất xây dựng các khu chức năng đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp phù hợp với định hướng là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm.

Giải pháp quản lý đất đai

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam cho biết, việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập và phê duyệt là cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng kể trên của con sông này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô.

Tuy nhiên, theo ông Chính để thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả đất đai, Nhà nước phải có trách nhiệm đền bù, giải phóng mặt bằng, định cư cho người dân. Sau đó tiến hành thi công 2 tuyến giao thông dọc sông với đầy đủ điều kiện kỹ thuật hạ tầng để tạo quỹ đất, tiến hành đấu giá, đấu thầu. Quy hoạch phải công bố công khai để người dân, đặc biệt là người dân thuộc khu vực Hồ Tây, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… biết và chủ động ổn định cuộc sống.

“Khi thực hiện, các cơ quan chức năng phải hợp tác chặt chẽ nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu để có thể triển khai tốt quy hoạch này. Hà Nội cũng phải có cơ chế đặc thù để thực hiện quy hoạch mang tính quyết định cho sự hình thành trục không gian cảnh quan của Thủ đô” – ông Chính nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm thế giới, ông Chính cho biết, khi quy hoạch sông Hàn của Hàn Quốc được đưa ra lấy ý kiến, việc mua bán đất đai hai bên sông cũng đã nhộn nhịp. Tình trạng lấn chiếm ven sông cũng diễn ra khá phổ biến. Thực trạng tranh mua, tranh bán, đẩy giá đất lên cao khiến chính quyền địa phương phải có giải pháp tạm dừng giao dịch cho đến khi có quy hoạch chi tiết. 

"Hà Nội cũng nên giao cho từng địa phương những trách nhiệm rõ ràng trong việc quản lý để không tiếp diễn tình trạng giao dịch bất hợp pháp hoặc lấn chiếm đất đai hai bên sông" - ông Chính đề xuất.