Quy mô nền kinh tế năm 2019 cao nhất từ trước đến nay
Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục tăng trưởng nhanh, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Tốc độ tăng trưởng đi kèm với nâng cao chất lượng
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương sáng ngày 30/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quy mô càng lớn thì việc đạt được thêm 1 điểm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó hơn nhưng không phải là không thể đạt được.
Theo đó, năm 2018, Việt Nam có quy mô kinh tế gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2019, Việt Nam không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỉ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động; Cán cân ngân sách tính đến ngày 23/12 là thặng dư, tỉ lệ nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP; Quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD...
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết, năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch; Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với nâng cao chất lượng tăng trưởng; Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn.
Tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Năng suất lao động tăng 6,2%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 46,11%. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.
Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối khoảng 79 tỷ USD. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Tổng thu ngân sách nhà nước ước tính đạt trên 1.400 nghìn tỷ đồng; tỉ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,44% GDP.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP; tỉ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 46%. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2%; vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 20,4 tỷ USD. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất nhập khẩu vẫn tăng và đạt mức kỷ lục 517 tỷ USD; xuất khẩu tăng 8,1%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp và đạt 9,9 tỷ USD...
Cùng với đó, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tập trung đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận thị trường và các nguồn lực. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá tăng 10 bậc và 3,5 điểm so với năm 2018 - mức tăng mạnh nhất thế giới.
Phát huy tinh thần khởi nghiệp, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục trên 138.000 doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng, tổng số vốn đăng ký mới đạt khoảng 1,7 triệu tỷ đồng...
“Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”
Theo Thủ tướng, việc tiếp tục duy trì được sức tăng trưởng cao như hiện nay trong 2 thập niên tới sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao. Tuy nhiên, Chính phủ luôn thận trọng, “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế” theo lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2020, tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn.
Đồng thời, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển hài hoà văn hoá, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác thông tin và truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo quốc gia và môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển kinh tế, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...