ADB: Nhiều cơ sở để tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam
ADB nhìn vào sự cải thiện mạnh mẽ của môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong những năm qua và thấy rằng Việt Nam thực sự là điểm đến hấp dẫn thu hút mối quan tâm của các đầu tư nước ngoài.
Ngược lại với xu hướng hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6,8% lên 6,9% cho năm 2019 và từ mức 6,7% lên 6,8% cho năm 2020.
Trao đổi với phóng viên lý giải về việc điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế theo bản báo cáo cập nhật lần này, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB, ông Nguyễn Minh Cường khẳng định có nhiều cơ sở để tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn.
PV. Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2019, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á, song lại điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Căn cứ vào cơ sở nào, ADB đưa ra những dự đoán triển vọng như vậy thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Cường: Dự báo của ADB là tương đối lạc quan, căn cứ vào sự tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, cộng thêm nữa là sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu và đầu tư cũng tăng liên tục rất mạnh trong 11 tháng qua khiến riêng tăng trưởng thương mại đã đạt con số kỷ lục là 11 tỷ USD.
Như vậy, tổng kim ngạch thương mại của việt nam có thể cán mốc 500 tỷ USD vào năm nay hoặc có thể là hơn nữa.
Bên cạnh đó, ADB cũng nhìn vào sự cải thiện mạnh mẽ của môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong những năm qua và thấy rằng đang có xu hướng các đầu tư nước ngoài đang dần rút ra khỏi Trung Quốc để tìm kiếm một thị trường bù đắp rủi ro, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, thì Việt Nam thực sự là điểm đến hấp dẫn thu hút mối quan tâm của họ.
Cùng với môi trường kinh doanh đang dần được hoàn thiện thì sự nâng bậc về năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng rất đáng chú ý. Vì thế, dễ hiểu là vì sao luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đổ vào Việt Nam tăng lên rất mạnh.
Một cơ sở khác nữa cũng không kém phần quan trọng là môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng tương đối ổn định với điều kiện lạm phát thấp do Ngân hàng Nhà nước áp dụng các chính sách tiền tệ khá phù hợp và linh hoạt có thể hỗ trợ tốt cho sự tăng trưởng.
Việc giải ngân đầu tư công vẫn có thể chậm nhưng đã có một số biện pháp đột phá được các cơ quan có thẩm quyền đưa ra nhằm gỡ nút thắt và thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ tích cực hơn. Điều đó có thể tạo điều kiện nới rộng hơn "zoom" tín dụng cho nền kinh tế.
Đó là lý do vì sao ADB rất lạc quan về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới với mức dự báo 6,9% và tốc độ tăng trường cũng sẽ tiếp tục được duy trì vào năm 2020.
Ba vấn đề quan trọng là cải thiện môi trường kinh doanh; củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài đang là mối quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, đang có sự quan ngại về xu hướng chững lại của tiến trình cải cách. Theo ông, có cơ sở cho sự lo lắng này không và giải pháp gì cho vấn đề này?
Trên thực tế, vấn đề cải cách ở Việt Nam vẫn được tiến hành rất hiệu quả. Tất nhiên, là tùy từng lĩnh vực và ở một số lĩnh vực cũng nên tiếp tục các biện pháp mạnh hơn nữa như cải tổ doanh nghiệp nhà nước vì với tốc độ cải tổ như hiện nay của khu vực này thì cũng chưa thực đáp ứng được kỳ vọng và các mục tiêu mà Nhà nước đề ra.
Khu vực ngân hàng tài chính, dù cũng đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực như tình hình giải quyết nợ xấu hay quản lý rủi ro tín dụng theo Basel II nhưng tiến độ thực hiện cũng chưa đạt được như mong muốn và cần có những biện pháp mạnh hơn, nhất là vấn đề xử lý nợ xấu.
Hiện giờ tất cả các khoản nợ xấu mà thời gian trước đây đã chuyển hết về Công ty mua bán và xử lý nợ xấu (VMC) thì nay cũng đã đến thời hạn phải quay lại các ngân hàng.
Dự kiến, sẽ có nhiều khoản nợ có tiềm năng trở thành nợ xấu như một số dự án BOT chưa thực hiện được hoặc một số dự án khác trong lĩnh vực tiêu dùng...
Tuy nhiên, không có nhiều lý do để quan ngại về tiến trình cải cách mà Việt Nam đang theo đuổi và nỗ lực thực hiện. Bởi lẽ, chúng ta đều thấy rằng ngoài những yếu tố nội tại thì động lực cải cách ở Việt Nam cũng đến từ rất nhiều các yếu tố bên ngoài.
Ngược lại lịch sử, ở thời điểm năm 1986 khi Việt Nam vẫn đang trong bối cảnh bị cấm vận. Sang năm 1996, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ và năm 1998 Việt Nam gia nhập ASEAN và lập tức phải thực hiện một số cam kết bắt buộc theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN.
Năm 2000 Việt Nam ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ với nhiều điều kiện ràng buộc đã tạo thêm động lực mạnh mẽ cho việc cải tổ ở Việt Nam. Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) - thêm 1 đợt cải tổ nữa lại đến.
Giai đoạn 2019-2020, các yếu tố bên ngoài tác động tới tiến trình cải tổ ở Việt Nam rất rõ ràng. Đó là những cam kết của Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Những cam kết theo 2 hiệp định này rất sâu, rộng và toàn diện trong nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện mở cửa thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cải cách trong nhiều lĩnh vực. Do vậy, tôi nghĩ, động lực cải tổ sẽ tiếp tục được thúc đẩy thêm vào năm 2020 bởi những cam kết của 2 hiệp định nói trên.
Rõ ràng là, quá trình cải cách của Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế thông qua những định chế và khuôn khổ pháp lý mang tính ràng buộc từ bên ngoài.
Từng có những bình luận trước đây của ADB về 6 nút thắt gây trở ngại cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đó là môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng vật chất, sân chơi bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước, thể chế quản lý, năng lực doanh nghiệp và quản trị môi trường. Vậy, theo ông, đâu là giải pháp giúp thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực này và Chính phủ đóng vai trò như thế nào để tạo động lực phát triển?
Thông thường thì các dự báo kinh tế đều chỉ mang tính dự báo về tiềm năng phát triển nhưng các dự báo cũng chỉ nói qua về những điều kiện để thực hiện các tiềm năng ấy thôi.
Tương tự, khi ADB đưa ra các dự báo thì chỉ là dự báo về tiềm năng tăng trưởng, nhưng các điều kiện để đạt được và phát huy những tiềm năng ấy lại là chuyện khác.
Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân thực chết liên quan tới 1 loạt điều kiện như thể chế, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, cơ sở hạ tầng... như đã liệt kê. Tuy nhiên, để có một giải pháp tổng thể giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của khu vực này thì tôi cho rằng Chính phủ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Với tỷ lệ chiếm hơn 96% tổng số doanh nghiệp cả nước thì khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam rất đa dạng; trong đó có các hộ kinh doanh gia đình chiếm tỷ lệ rất lớn và đóng góp khoảng 30% GDP; có khối doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng không ít các tập đoàn tư nhân lớn.
Trong một thập kỷ vừa qua các tập đoàn tư nhân lớn ở Việt Nam đã phát triển rất mạnh. Câu chuyện đặt ra là phải làm thế nào để bảo đảm các tập đoàn tư nhân có những đột phá mạnh mẽ cho kinh tế Việt Nam song song với việc khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các hộ kinh doanh gia đình tiếp tục đảm nhiệm vai trò phát triển rộng, khắp và công bằng. Đó là nhiệm vụ mà các điều kiện thể chế và chính sách cần bảo đảm.
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân lớn hay các tập đoàn tư nhân của Việt Nam muốn được bảo đảm năng lực cạnh tranh của chính mình cũng là điều rất đáng được lưu tâm.
Bởi lẽ, như các bạn đã biết, khi hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cũng đồng nghĩa với việc phải cam kết thực hiện những quy định để đảm bảo một sân chơi bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Nghĩa là, sẽ không còn những ưu ái, những đặc quyền hay chính sách riêng biệt dành cho các doanh nghiệp hay tập đoàn tư nhân trong nước.
Vì thế, hơn lúc nào hết, họ cần nhận diện những thuận lợi và khó khăn; đồng thời biết tận dụng cơ hội để vươn lên làm chủ chuỗi phân phối, tham gia vào mạng lưới phân phối cũng chính là cách để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Còn đối với các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực ra, lâu nay ta hay nhìn vào những điều kiện và quy định hiện hành để cho rằng việc tiếp cận tài chính tín dụng của khu vực này luôn khó khăn và có nhiều rào cản.
Trong thực tế cho thấy và trên tương quan so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới thì quy định về tài sản thế chấp, về phương án kinh doanh khả thi cùng nhiều quy định khác của ngành tài chính ngân hàng thì ở đâu cũng giống nhau, bởi các ngân hàng đều phải thực hiện nhiệm vụ bảo toàn tín dụng, hạn chế rủi ro nợ xấu.
Theo quan điểm của cá nhân tôi thì tiếp cận tài chính để tạo động lực phát triển cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa không phải vấn đề cơ bản. Điều cốt yếu nằm ở chỗ khả năng hấp thu tài chính của các doanh nghiệp này như thế nào mới là quan trọng. Mà điều này lại đi kèm với khả năng quản trị, kỹ năng quản lý và trình độ, tay nghề của công nhân, doanh nghiệp... Đó là vấn đề rất cần các doanh nghiệp phải lưu tâm đầu tư và thay đổi theo thời cuộc.
Trân trọng cảm ơn ông.