Quyền con người tại Việt Nam luôn được khẳng định và đảm bảo

Quang Vinh

Trong Bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1945, đã khẳng định rõ quyền con người của Việt Nam là bất khả xâm phạm. Suốt hơn 73 năm qua, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Việt Nam luôn đấu tranh, bảo vệ quyền con người và đã đạt được nhiều thành tựu được cộng đồng thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có các thế lực thù địch luôn tuyên truyền bóp méo sự thật, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá nhà nước... Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để chống lại các thế lực thù địch, bảo vệ quyền con người tại Việt Nam.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam là chăm lo cho con người, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt kể từ ngày Đảng ta ra đời, được thể hiện rõ từ trong Cương lĩnh chính trị năm 1930, Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp đến các văn kiện của Đảng và pháp luật của Việt Nam... Đặc biệt, tại Hiến pháp năm 2013, quyền con người tiếp tục được khẳng định và bảo đảm.

Theo đó, Hiến pháp nước Việt Nam đã quy định rất rõ trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam là công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con ngườ. Đó là bản chất của nhà nước và là ngọn cờ của Cách mạng Việt Nam, là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Trên cơ sở các nguyên tắc hiến định, Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp, giao các cơ quan nhà nước rà soát, lập danh mục đề xuất các văn bản cần bãi bỏ, sửa đổi bổ sung các văn bản mới cho phù hợp với các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. 

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương và đồng thuận của nhân dân, hệ thống pháp luật thực thi Hiến pháp tiếp tục được hoàn thiện và triển khai, trong đó có các quy định về quyền con người được triển khai mạnh mẽ. Điển hình như, hàng loạt bộ luật lớn như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và hàng loạt các luật khác liên quan tới bảo đảm quyền tự do dân chủ như Luật Trưng cầu dân ý, Luật Bầu cử, Luật Báo chí, Luật tiếp cận thông tin, Luật tín ngưỡng, tôn giáo…được ban hành đều thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc, tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế về quyền con người, những giá trị phổ cập đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013.

Các quy định pháp luật đã được ban hành, nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 tới các cấp, các ngành và toàn dân nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Hiến pháp đối với bảo vệ quyền con người và quán triệt các nguyên tắc, tiêu chuẩn về quyền con người, quyền công dân trong xây dựng và hoàn thiện các văn bản luật và dưới luật; đồng thời tổ chức thực hiện tốt Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực bắt đầu từ 1/1/2018…

Việc tuên truyền có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ phổ biến cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến quyền con người để người dân hiểu và thực thi mà còn là tuyên truyền để phản bác lại các thế lực thù địch đang lợi dụng quyền tự do bóp méo sự thật về quyền con người tại Việt Nam.

Thực tế, quyền con người là câu chuyện của mỗi một người dân, hiển hiện xung quanh chúng ta, trong mỗi gia đình và toàn xã hội, như trẻ em cần được đến trường, được tiếp cận giáo dục, mọi người cần được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận nước sạch, được sống trong môi trường trong lành, được có thực phẩm an toàn, hay quyền tham gia quản lý công việc nhà nước và xã hội... Chính vì vậy, để hiểu về quyền con người, giá trị của quyền con người, chúng ta cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân nói chung về quyền con người đặc biệt là quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong giai đoạn mới.

Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu công dân sử dụng các quyền của mình vượt quá các giới hạn cho phép, ảnh hướng đến an ninh quốc gia, quốc phòng, đến trật tự công cộng, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, đến quyền và tự do của người khác thì mỗi quốc gia đều có những chính sách pháp luật để hạn chế. Nếu công dân vi phạm, tùy mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc nếu gây hậu quả thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với ý nghĩa, vai trò quan trọng đó, ngày 05/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2017–2025. Đây là một động thái được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, ghi nhận những bước tiến của Việt Nam không chỉ trong bảo vệ quyền con người mà còn là giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người.

Đồng thời, Đề án còn thể hiện sự cam kết của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về nghĩa vụ thực thi các điều ước quốc tế về quyền con người, mà còn có ý thực tiễn làm thay đổi quan điểm, nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của quyền con người và giáo dục quyền con người. 

Theo đó, nội dung quyền con người được đưa vào tất cả các cấp học, ngành học, từ hệ thống giáo dục mầm non cho tới giáo dục đại học và sau đại học để nâng cao nhận thức về quyền con người của cả người học và người dạy. Khi người dân nhận thức được về quyền, sẽ giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền do thiếu hiểu biết; giúp mỗi người nhận thức được về quyền, hiểu được ý nghĩa, giá trị của các quyền, biết tự mình bảo vệ các quyền của mình đồng thời có nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ pháp luật​, biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác.

Cũng qua đó, họ nhận diện được những kẻ lợi dụng nhân quyền, mượn cớ nhân quyền để can thiệp, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quyền con người. 

Bên cạnh đó, mỗi người dân cần có ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, tham gia phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc về những thành tựu, những kết quả mà chúng ta đã đạt được trong lĩnh vực bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong suốt hơn 30 năm đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam.