Quyết liệt chấn chỉnh lãng phí trong sử dụng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản
Báo cáo kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khẳng định có lãng phí trong sử dụng nguồn vốn này, nhưng chưa thể lượng hóa con số cụ thể. Chưa thể lượng hóa con số cụ thể song không có nghĩa không nhìn thấy được lãng phí ở đâu, do nguyên nhân nào. Vì thế, không thể không hành động quyết liệt để chấn chỉnh việc sử dụng nguồn vốn này, cũng như bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật.
Bởi lẽ, các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đều quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu của nước ta; góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo ở các tỉnh khó khăn; nâng cao hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục.
Mặt khác, báo cáo kết quả giám sát cũng chỉ rõ, dù Chính phủ đã tiến hành việc rà soát, cắt, giảm, giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư 166 dự án theo Nghị quyết 881 của UBTVQH, thì nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án có trong danh mục là rất lớn. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ như vậy đều dành cho dự án có nhu cầu đầu tư thực sự, và dường như là chưa đủ với một số dự án.
Tuy nhiên, sự lãng phí này không phải do không có quy định pháp luật điều chỉnh. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã dành Chương III để quy định riêng cho lĩnh vực xây dựng cơ bản, với những quy định rõ ràng. Trong đó, Điều 27 của Luật đã quy định dự án đầu tư trước khi quyết định đầu tư phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện dự án đúng tiến độ. Điều 29 quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán công trình phải căn cứ vào định mức, đơn giá, tiêu chuẩn xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và phải phù hợp với thiết kế xây dựng công trình đã được phê duyệt.
Ngoài ra, các điều luật khác tại Chương III đều quy định cụ thể nguyên tắc trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu... để ngăn chặn lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Trong mỗi điều luật đều quy định rất rõ việc nghiêm cấm các hành vi là nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư, cũng như xác định rõ việc xử lý trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan có liên quan.
Trên thực tế, nhiều dự án trước khi quyết định đầu tư chưa cân đối đủ vốn đầu tư, thậm chí là phê duyệt nhiều dự án so với khả năng cân đối. Điều này khiến dự án thiếu vốn trầm trọng, nợ đọng xây dựng cơ bản và không hoàn thành đúng thời hạn đề ra.
Bên cạnh đó, do hạn chế năng lực trong xây dựng khảo sát, thiết kế giải pháp thực hiện dự án nên tình trạng xin điều chỉnh phương án thi công, thiết kế, phát sinh thêm nhiều hạng mục, gây tăng tổng mức đầu tư. Sai phạm trong khâu khảo sát thiết kế, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, hầu như không bị xử lý kỷ luật, mà có dự án còn được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế và khắc phục bằng việc bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để hoàn thiện. Vì thế có thể nói, không phải không có quy định pháp luật điều chỉnh, mà do thiếu ý thức trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật.
Và nguyên nhân căn cơ hơn, theo đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) là do phân quyền, phân cấp quản lý nhưng không đi kèm với phân cấp trách nhiệm. Địa phương được trao quyền quyết định, phê duyệt dự án, trong khi điều kiện, tiêu chí, tiêu chuẩn không rõ ràng nên nhiều dự án thường chuyển thành dự án cần thiết, cấp bách và được sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Trị), chưa hẳn do năng lực lập kế hoạch đầu tư còn hạn chế, khiến địa phương xác định lượng vốn thấp hơn so với nhu cầu thực hiện. Để được phê duyệt dự án nhanh chóng, nhiều địa phương đã đưa giá thành thực hiện thấp nhất. Khi đặt được chỗ trong danh mục đầu tư mới mở rộng quy mô dự án, xin điều chỉnh tổng mức đầu tư, quy mô. Các cơ quan quản lý bị rơi vào thế đã rồi nên buộc phải chấp thuận điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư.
Từ những hạn chế, tồn tại được Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH và đại biểu Quốc hội chỉ ra có thể thấy, cần xác định tiêu chí phân bổ vốn rõ ràng; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp sai phạm... để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. Nhưng rõ ràng, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã phát hành cho giai đoạn 2012 – 2015 chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư của các dự án được phê duyệt. Vậy thì tại sao không dừng lại để rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh lại công tác đầu tư rồi mới tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ?
Bởi lẽ, vốn trái phiếu Chính phủ thực chất là tiền đóng góp của nhân dân nên không thể thờ ơ với sự lãng phí trong sử dụng, phải có hành động kịp thời. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, cần thay đổi tư duy đầu tư, chuyển từ tư duy phân bổ vốn theo dàn hàng ngang sang tư duy hàng dọc. Thay cho việc đầu tư vào 20 công trình, hãy đầu tư 10 công trình để hoàn thành đúng thời hạn, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả ngay.