Quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính

Thu Phương

TCTC Online - Mới đây, Tổ công tác Đề án 30 (cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính), Hội đồng tư vấn đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động sau 3 năm triển khai và ra mắt Cục kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC).

Việc triển khai Đề án 30 đã thực sự tạo bước đột phá trong tiến trình cải cách TTHC. Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án 30, cuộc chiến để đơn giản hóa TTHC đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, góp phần hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch vững mạnh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Tính cho đến thời điểm hiện nay, Đề án 30 đã từng bước giải quyết tận gốc vấn đề cả về thủ tục lẫn hành chính. 

Giảm gánh nặng…

Trong năm 2009, Đề án 30 đã hoàn thành giai đoạn thống kê với việc công bố và đăng tải công khai trên Internet bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC ở 4 cấp chính quyền gồm trên 5.400 thủ tục, 9.000 văn bản quy định và 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC. Bên cạnh đó, Đề án đã giúp chuẩn hóa, thu gọn từ hơn 10.000 bộ TTHC cấp xã, 700 bộ cấp huyện xuống còn 63 bộ TTHC cấp xã, 63 bộ TTHC cấp huyện tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất thực hiện trong mỗi tỉnh, thành phố. Điều này đã góp phần minh bạch hóa, tạo thuận lợi cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và giám sát việc thực hiện TTHC.

Với kết quả này, đề án 30 được dư luận quốc tế đánh giá rất cao, được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước ghi nhận, coi đó là đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh. Như vậy, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới thực hiện được chương trình cải cách có quy mô như Đề án 30 và được xem như là một mô hình mẫu cho các quốc gia khác có mức thu nhập bình quân đầu người tương tự tham khảo.

Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn 2 của Đề án 30. Sau khi Đề án kết thúc giai đoạn rà soát vào tháng 12/2010, Chính phủ đã ban hành 25 nghị quyết thông qua phương án đơn giản hóa gần 5.000 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của 24 bộ, ngành, đạt tỷ lệ đơn giản hóa 88%, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Các nghị quyết này, sau khi được thực thi dự kiến sẽ giúp cắt giảm 37,3% chi phí tuân thủ TTHC cho doanh nghiệp và người dân, tương ứng khoảng gần 30.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, Đề án sẽ chỉ kết thúc sau khi hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung trên 1.000 văn bản quy phạm pháp luật ở cấp trung ương nhằm hiện thực hóa các nội dung cải cách.

Tổng kết lại 3 năm sau khi triển khai Đề án 30, ông Nguyễn Xuân Phúc- Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng- đã nhận xét: Việc đổi mới quy trình ban hành TTHC đã góp phần nâng cao chất lượng thể chế và cắt giảm gánh nặng hành chính nhằm đảm bảo kiểm soát TTHC ngay từ khâu dự thảo cho đến việc thực thi phù hợp theo đúng bốn nhóm tiêu chí lớn, đó là sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả.

Có thể nói, kết quả của Đề án 30 đạt được ở trên mới chỉ là bước đầu, là tiền đề để thực hiện các nội dung khác như nâng cao chất lượng thể chế; nâng cao trình độ, thói quen, cách làm của cán bộ, công chức; phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2011 tới đây, các bộ, ngành, địa phương cần phải tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thực thi giai đoạn 3 của Đề án 30, sớm hiện thực hóa các lợi ích của cải cách cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Chung tay cho cải cách

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp “chung tay cải cách TTHC”, tham gia tích cực, chủ động và mạnh mẽ hơn nữa vào công cuộc cải cách TTHC của Chính phủ, nhằm duy trì và phát huy các kết quả của Đề án 30. Bởi thể chế luôn thay đổi hàng ngày sẽ dẫn đến thủ tục mới đặt ra chồng lên thủ tục cũ. Vì thế đòi hỏi quá trình hoàn thiện bộ máy thể chế gắn liền với việc bổ sung thêm TTHC. Chính vì vậy, Văn phòng Chính phủ đã chính thực ra mắt Cục kiểm soát TTHC nhằm duy trì các kết quả của cải cách TTHC. Công cuộc cải cách hành chính là một tiến trình lâu dài, cần sự chung tay góp sức của toàn thể nhân dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng đánh giá, sau 3 năm triển khai, Đề án 30 đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, được cộng đồng người dân và doanh nghiệp đánh giá cao. Hy vọng rằng, mỗi người dân và doanh nghiệp tiếp tục tham gia tích cực quá trình TTHC như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: “Huy động toàn xã hội tham gia vào quy trình kiểm soát TTHC để thực hiện tốt mục tiêu cải cách TTHC, bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành và duy trì các TTHC thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất”.

Ra mắt Cục kiểm soát TTHC

Cũng tại Hội nghị tổng kết, Văn phòng Chính phủ đã chính thức ra mắt Cục kiểm soát thủ tục hành chính nhằm duy trì các kết quả của cải cách TTHC. Ông Ngô Hải Phan, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ, đã được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1/2011 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cơ quan này sẽ giữ vai trò trung tâm kiểm soát TTHC tại các bộ, ngành, địa phương trên phạm vi cả nước; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực thi giai đoạn 3 của đề án 30 nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch của thụ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền.

Như vậy, sự ra đời của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, cùng hoạt động của hệ thống các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC tại cấp trung ương và địa phương sẽ bảo đảm khả năng duy trì và phát huy các thành quả của Đề án 30 trong tương lai.