Rao bán động vật hoang dã, bị phạt 100 triệu đồng
Đó là mức phạt dành cho một đối tượng tại Quảng Nam với hành vi quảng cáo và rao bán các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép.
Mức phạt trên được quy định theo Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP). Theo đó, hành vi quảng cáo bán động vật hoang dã (động vật hoang dã) trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 70-100 triệu đồng đối với các loài động vật hoang dã là hàng cấm hoặc từ 1-1,5 triệu đồng đối với các loài động vật hoang dã khác theo quy định.
Ngoài ra, tuỳ theo tính chất, mức độ nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự với mức phạt lên đến 15 năm tù theo Nghị định số 35/2019/NĐ-CP.
Thời gian qua, một số đối tượng buôn bán động vật hoang dã đã lợi dụng Internet và các trang mạng xã hội để quảng cáo, buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó, các sản phẩm động vật hoang dã thường xuyên được quảng cáo gồm: ngà voi, sừng tê giác, sản phẩm của các loài gấu, hổ, tê tê… Đây là những loài bị nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Đầu tháng 12/2019, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã tổ chức Lễ bàn giao 55 mẫu vật giám định sừng tê giác bị tịch thu tại sân bay quốc tế Nội Bài cho đại diện Cơ quan quản lý CITES Nam Phi tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là lần thứ 4 Việt Nam tiến hành bàn giao mẫu vật giám định sừng tê giác từ các vụ bắt giữ, tịch thu cho phía Nam Phi để thực hiện giám định, xác định nguồn gốc xuất xứu nhằm phục vụ công tác điều tra tội phạm đạt hiệu qủa cao hơn.
Chỉ trong tháng cuối cùng của năm 2019, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã hợp tác cùng Facebook xoá bỏ thành công hơn 60 trường hợp quảng cáo, rao bán động vật hoang dã thông qua việc gỡ bỏ các bài đăng và khoá các tài khoản vi phạm.
Ngoài ra, tháng 12/2019, ENV phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành giải cứu 48 cá thể động vật hoang dã qua tin báo từ cộng đồng.
Trong 48 cá thể động vật hoang dã được phát hiện, giải cứu gồm: 20 cá thể Khỉ, 13 cá thể Tê tê, 8 cá thể Rùa núi vàng, 3 cá thể Mèo rừng, 1 cá thể Trăn đất, 1 cá thể Chồn bạc má, 1 cá thể Vượn má vàng và 1 cá thể Vích.
Trong đó, nổi bật nhất là phi vụ giải cứu 13 cá thể Tê tê từ một đối tượng buôn bán động vật hoang dã lớn ở Phú Xuyên (Hà Nội) của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường.
Trước đó, khi phát hiện đối tượng buôn bán trái phép Tê tê, người dân đã tìm cách liên hệ với ENV để nhờ hỗ trợ. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin và thu thập những chứng cứ cần thiết, ENV đã báo về Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường để hỗ trợ điều tra, xử lý.
Nhờ sự phối hợp kịp thời của người dân và các cơ quan chức năng đã giúp giải cứu 13 cá thể Tê tê khỏi các đối tượng buôn bán trái phép. Ngay sau được giải cứu, số Tê tê này được đưa đến Trung tâm Cứu hộ Tê tê và Thú Ăn thịt ở Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) để hồi phục sức khoẻ.