Rào cản cho hàng Việt khi vào hệ thống bán lẻ nước ngoài

Theo Thanh Chương/nhandan.com.vn

Hàng Việt Nam đang phải vượt qua nhiều rào cản để vào hệ thống bán lẻ do nước ngoài nắm giữ, thậm chí một số thương hiệu Việt đã bị “đuổi khéo”.

Hàng Thái đã tràn ngập siêu thị Big C.
Hàng Thái đã tràn ngập siêu thị Big C.

Những "luật chơi"

Sau khi tập đoàn Thái-lan Central Group mua lại chuỗi siêu thị Big C, 22 cửa hàng của Công ty cổ phần đầu tư Thế giới Di động đã bị yêu cầu rời khỏi hệ thống này. Sự kiện một thương hiệu bán lẻ của Việt Nam bị "đuổi" ra khỏi Big C dấy lên lo ngại, hàng nội đang sẽ phải nhường sân chơi ở thị trường bán lẻ cho hàng ngoại khi mà "luật chơi" do các tập toàn phân phối nước ngoài đưa ra. Trước hết đó là rào cản chiết khấu mà họ áp đặt ngày càng cao, ngoài ra còn nhiều chi phí "ngang trái" khác.

Lo ngại trước nguy cơ hàng Việt bị đẩy ra khỏi hệ thống bán lẻ, ông Phạm Trọng Nhân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương mới đây đã lên tiếng trên nghị trường: "Sau khi thâu tóm, phương thức và quy trình mua của các nhà phân phối nước ngoài hoàn toàn thay đổi. Các chương trình xúc tiến chỉ dành cho hàng chính quốc. Hàng Việt Nam từng bước bị từ chối và vô hiệu hóa bằng hàng rào kỹ thuật, tăng chiết khấu, chiếm dụng vốn nhà cung cấp, o ép phí mở hàng, phí hỗ trợ chương trình khuyến mại, bảo hành. Thế giới Di động bị hất chân khỏi Big C chỉ là màn khởi đầu cho những lời cảnh báo".

Cách đây chưa lâu, một doanh nghiệp (DN) liệt kê gần 15 loại phí mà Big C quy định để đưa hàng vào, như chi phí cho dùng thử sản phẩm, phí hỗ trợ sinh nhật siêu thị, phí hỗ trợ khai trương siêu thị mới... Muốn vào hệ thống này, xuất phát điểm chiết khấu cho siêu thị 5%, mỗi năm tăng thêm 1% và hiện có DN phải chịu mức chiết khấu đến 30%. Nhiều DN sản xuất nội than phiền, họ không điều chỉnh được bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng cung ứng.

Khi siêu thị thực hiện các chương trình khuyến mãi hoặc mở điểm bán mới, nhà cung cấp phải hỗ trợ phí khuyến mãi, bằng cách giảm giá bán 15-30% với thời gian 10-30 ngày và mỗi năm 1-3 lần.

Chưa hết, theo phản ánh của nhiều DN, muốn mở mã hàng, ngoài khoản phí theo quy định của hệ thống siêu thị, DN phải "lót tay" từ 10 đến 20 triệu đồng/mã hàng cho riêng nhân viên bộ phận này.

Ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica cho biết, năm 2014 công ty ông phải trả chi phí thuê quầy kệ cho một siêu thị là 1,2 tỷ đồng. Đến năm 2015, công ty được thông báo mức phí này tăng lên 2,2 tỷ đồng mà không nêu bất kỳ lý do nào. Quá ngưỡng chịu đựng, Bibica đành phải rút lui.

Năm 2016, sau khi làm chủ hệ thống Big C, các ông chủ người Thái đã thay đổi chính sách buộc các mặt hàng thủy sản Việt Nam phải chiết khấu cao hơn mức 15% , trung bình 17-20%, thậm chí có DN lên đến 30%. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã phải gửi công văn cho ban lãnh đạo hệ thống Big C đề nghị không tăng chiết khấu, vì ở mức tăng rất cao này, DN thủy sản chắc chắn lỗ, không thể tái đầu tư. "Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tổng mức chiết khấu 10% đã gần như quá sức đối với DN. Vậy mà Big C đòi mức chiết khấu cao nhất lên đến 25% thì không DN nào đáp ứng nổi, nếu chấp nhận thì chỉ có thua lỗ", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP bức xúc.

Sau khi mua lại hệ thống đại siêu thị Metro, tập đoàn TCC của Thái-lan cũng đã tăng chiết khấu với hàng Việt. Công ty TNHH Minh Long 1 từng tuyên bố rút toàn bộ hàng ra khỏi hệ thống Metro cũng vì bị tăng chiết khấu, mặc dù tổng doanh thu từ hệ thống này trong một năm lên đến hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên không phải DN nào cũng có tiềm lực để can đảm rời bỏ siêu thị như Minh Long.

Để tai nghe mắt thấy "thân phận" của hàng Việt trong hệ thống bán lẻ do các nhà phân phối nước ngoài nắm giữ, phóng viên đã có cuộc khảo sát ở một vài siêu thị của Thái-lan, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tại siêu thị Mega Market (tên gọi cũ là Metro) trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), ngay tại cổng chính đã bắt gặp một khu trưng bày hàng hóa Thái-lan rất ấn tượng, thu hút nhiều người mua sắm. Người Thái đã dành cho hàng Thái vị trí đẹp nhất ở đại siêu thị này, và dĩ nhiên hàng Việt sẽ phải "cam chịu" ở những vị trí khiêm nhường hơn rất nhiều. Nhờ thâu tóm được các hệ thống bán lẻ lớn ở Việt Nam như Big C, Metro, Nguyễn Kim, kim ngạch nhập khẩu hàng Thái-lan vào Việt Nam tăng đột biến, chỉ xếp sau hàng Trung Quốc.

Siêu thị Fivimart ở phố Trúc Khê (Hà Nội) bày bán rất nhiều hàng Nhật, từ chiếc tăm bông, nước rửa bát, mì tôm, tới các mặt hàng gia dụng khác. Mì tôm và các loại nước tương mang thương hiệu Nhật đang lấn át các sản phẩm thương hiệu Việt trên kệ hàng. Trong khi đó, trên kệ hàng của siêu thị Lotte ở đường Liễu Giai, hàng Hàn Quốc tràn ngập, từ kem đánh răng, kim chi, hoa quả cho đến các loại mỹ phẩm... Mỹ Hạnh - nhân viên bán hàng của siêu thị Lotte cho biết: "Hàng Hàn Quốc mẫu mã đẹp, giá chỉ nhỉnh hơn 5-10%, nhưng chất lượng lại tốt hơn nên được người tiêu dùng lựa chọn ngày càng nhiều. Họ mua nhiều hàng Hàn Quốc thì dĩ nhiên hàng Việt sẽ ít được đưa vào giỏ hơn".

Chỉ 10% số nhà sản xuất Việt Nam đưa được hàng vào siêu thị

Trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ngoài Vinmart và Saigon Co.op, những hệ thống siêu thị có quy mô và sức hút lớn với người tiêu dùng đều đã nằm trong tay các nhà phân phối nước ngoài. Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op dự báo đến năm 2020 ngành bán lẻ hiện đại của khối ngoại sẽ đạt khoảng 187 nghìn tỷ đồng doanh thu, còn khối nội thì vào khoảng 71.400 tỷ đồng. Tỷ lệ lúc đó sẽ là 27,6% thị phần cho DN nội địa và 72,4% thị phần cho khối ngoại. Trong khi đó, siêu thị luôn là kênh quan trọng trong quá trình phát triển sản phẩm và thương hiệu của DN trong nước. Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội hiện nay cứ 10 nhà sản xuất Việt Nam thì chỉ có một nhà sản xuất có khả năng đưa được hàng vào siêu thị. Nguyên nhân do chi phí hàng hóa quá cao, bị ép giá, chiếm dụng vốn, ngoài ra chi phí bán hàng lên tới 30%. Điều này khiến hàng Việt lép vế, bị "đẩy" ra khỏi hệ thống để hàng nước ngoài thế chỗ.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, hàng Việt có bị lấn lướt, bị loại khỏi hệ thống bán lẻ hay không phụ thuộc phần lớn vào tính cạnh tranh của hàng Việt, yếu tố thay đổi chủ mới của hệ thống bán lẻ không mang tính quyết định. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN cho rằng: "Giải pháp quan trọng nhất để cạnh tranh với hàng ngoại nói chung, là DN "nội" phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối".

Thực tế hàng Việt bị lép vế trong hệ thống bán lẻ nước ngoài đang đặt ra yêu cầu cho DN trong nước phải xây dựng được chuỗi liên kết và hệ thống phân phối của riêng mình. Nhưng họ sẽ xoay xở thế nào để có thể phát triển được trong thị trường bán lẻ đang cạnh tranh khốc liệt?