Bùng nổ mô hình cửa hàng tiện lợi
Liên tục chào đón những tên tuổi lớn trên thế giới và chuỗi cửa hàng mới từ doanh nghiệp trong nước, các cửa hàng tiện lợi đang tiếp tục phát triển nhanh chóng tại thị trường Việt Nam.
Gia tăng số lượng
Thống kê mới nhất của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho thấy, cuối năm 2014, thành phố chỉ có 326 cửa hàng tiện lợi thì đến cuối tháng 3/2018 đã đạt 1.144 cửa hàng, tăng 3,5 lần. Cả nước hiện có khoảng 1.600 cửa hàng tiện lợi.
Trong khi các siêu thị, đại siêu thị đang bão hòa; chợ truyền thống đang dần xuống cấp và hoạt động khó khăn do khó truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, cửa hàng tiện lợi lại liên tục gia tăng số lượng.
Những thương hiệu quen thuộc trên thế giới như 7-Eleven, CircleK… đến những tên tuổi mới hơn như GS25 đều hiện diện tại Việt Nam - thị trường rất tiềm năng bởi tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ những năm gần đây luôn đạt 2 con số.
Không đứng ngoài cuộc đua, các DN bán lẻ Việt Nam cũng đã và đang mở rộng mô hình này. Hết tháng 3/2018, Saigon Co.op đã có hơn 181 cửa hàng Co.opfood, 71 cửa hàng Co.opsmile; dự kiến nâng số lượng lên 150 cửa hàng Co.opsmile, 50 cửa hàng tiện lợi Cheers vào cuối năm nay. VinMart+ - hệ thống cửa hàng tiện lợi với logo đỏ vàng đặc trưng sâu trong các khu dân cư, tiện lợi cho mua sắm - cũng đã lên tới trên 800 địa điểm.
Theo các chuyên gia, thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam luôn đề cao sự tiện lợi. Khi các siêu thị, đại siêu thị bắt đầu giảm hấp dẫn do thường nằm ở trục đường trung tâm, phải gửi xe để vào mua sắm, xếp hàng thanh toán khá lâu… thì mô hình cửa hàng tiện lợi trở thành sự thay thế hoàn hảo. Tích hợp tất cả các đặc điểm nổi bật của siêu thị và chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia ngành bán lẻ - cho hay, cửa hàng tiện lợi còn có đặc điểm là kinh doanh các mặt hàng ăn nhanh với giá phải chăng, rất phù hợp với những người tiêu dùng trẻ - khách hàng tiềm năng của khối bán lẻ. Chưa kể, nước ta còn đặc biệt hấp dẫn bởi có nguồn nông sản rất dồi dào, giá rẻ, là nguồn hàng thích hợp cho các doanh nghiệp kinh doanh. Chính sách cho phép các doanh nghiệp FDI được mở cửa hàng bán lẻ dưới 500m2 mà không phải thực hiện quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) cũng khiến các chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng phát triển.
Dù có nhiều tiềm năng, nhưng kinh doanh cửa hàng tiện lợi đòi hỏi doanh nghiệp phải "trường vốn". Bởi trung bình, một chuỗi cửa hàng tiện lợi phải chịu lỗ trong khoảng 5 năm đầu rồi sau đó mới có thể có lãi. Đây là lợi thế của các doanh nghiệp nước ngoài nhưng lại là nhược điểm của doanh nghiệp Việt Nam vốn khó khăn cả về vốn, nhân lực, chất lượng phục vụ, kiểm soát nguồn gốc hàng hóa…
Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt cần định vị cho thương hiệu của mình thông qua hàng hóa chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cạnh tranh, thái độ phục vụ tốt. Đồng thời, chủ động khai thác thị trường nông thôn vì đây là phân khúc còn nhiều tiềm năng.
Nhà nước cũng cần thêm những chính sách hỗ trợ về thuế, vị trí thuê mặt bằng cho doanh nghiệp Việt Nam để doanh nghiệp có điều kiện tăng thêm sức cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay.
Quý I/2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nước ta đạt 1.048 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là điều kiện quan trọng kích thích các chuỗi cửa hàng tiện lợi mở rộng thị trường tại Việt Nam.