Rào cản phi thuế quan đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ
(Tài chính) Rào cản phi thuế quan là các rào cản ngoài thuế làm ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa quốc tế, nhằm duy trì và bảo hộ sản xuất cũng như người tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn phải đối mặt với các loại rào cản phi thuế quan, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh… Những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong việc đối phó với rào cản phi thuế quan hiện nay đối với ba nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực là dệt may sang Hoa Kỳ; da giày sang EU; thủy sản sang Nhật Bản.
Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường Mỹ của Tổng cục hải quan, khi xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường này, DN thường phải gặp một hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật gồm:
Tiêu chuẩn chất lượng: chất lượng sản phẩm dệt may thể hiện qua hệ thống tiêu chuẩn mà DN đạt được, chẳng hạn như chứng chỉ ISO - 9000. Những chứng chỉ này là điều kiện để xâm nhập và mở rộng thị trường. Nó chứng tỏ DN có hệ thống quản lý chất lượng đầy đủ theo tiêu chuẩn quốc tế. Đối với một số thị trường, chứng chỉ này là yêu cầu bắt buộc để được phép xuất khẩu.
Tiêu chuẩn về chống cháy: Các DN dệt may cũng đang đứng trước thách thức phải đáp ứng các yêu cầu về vấn đề sức khỏe và an toàn cho người sử dụng như tiêu chuẩn về chống cháy. Vấn đề an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng luôn được Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và Chính phủ Mỹ quan tâm. Họ đưa ra các tiêu chuẩn, quy định về nguyên phụ liệu cho hàng may mặc rất cao, nhằm bảo vệ người tiêu dùng, buộc nhà sản xuất và xuất khẩu phải đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất mới ra được sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Đây thực sự là một rào cản lớn đối với các nhà sản xuất và kinh doanh ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam đang thiếu vốn và công nghệ hiện đại.
Tiêu chuẩn bảo vệ môi trường: Hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ phải là các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn sinh thái theo quy định, an toàn về sức khoẻ đối với người sử dụng và không gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất.
Bên cạnh Hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật trên thì Hệ thống tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội (SA - 8000) cũng là trở ngại lớn nhất đối với các DN dệt may xuất khẩu Việt Nam. Những khó khăn chủ yếu trong việc áp dụng SA - 8000 tại Việt Nam hiện nay là nhận thức của DN về SA - 8000; các DN không muốn tiết lộ các ghi chép tài chính, đặc biệt trong các DN tư nhân; không có khả năng chi trả chi phí áp dụng SA - 8000; sự cách biệt văn hoá giữa khách hàng và nhà cung cấp; SA-8000 là mục tiêu ít được ưu tiên, đặc biệt trong những thời điểm kinh tế còn khó khăn, suy thoái.
Ngoài Hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật, Hệ thống tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội SA - 8000 thì Tiêu chuẩn WRAP - trách nhiệm sản xuất hàng dệt may toàn cầu - cũng là những khó khăn cho DN Việt Nam. Khi xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ, các DN Việt Nam thường vướng phải các rào cản về trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn SA-8000 và WRAP, cả hai tiêu chuẩn này đều có những quy định cơ bản về lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, sức khoẻ và an toàn, quyền tự do thành lập các hiệp hội về đàm phán tập thể, phân biệt đối xử, các hình thức kỷ luật, giờ làm việc và chế độ tiền lương…
Những rào cản kỹ thuật khắt khe như vậy rõ ràng là thách thức lớn đối với các DN Việt Nam. Bên cạnh đó, phần lớn nguyên liệu đều phải nhập khẩu, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh - xuất khẩu của Việt Nam chưa cao. Đối với hàng dệt may nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc (khoảng 24%), Hàn Quốc (chiếm 23%) và Nhật Bản (chiếm 8,89%)…
Để vượt qua rào cản phi thuế quan, DN Việt Nam cần chú trọng xây dựng và hoàn thiện các hê ̣thống SA-8000, tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường… theo đúng quy định quốc tế. Ngoài ra, còn cần chú trọng mở rộng thị trường, đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm… đặc biệt là tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm dệt may.