Rào cản trong phát triển công nghiệp may mặc

Theo Hồng Phượng/Báo Cà Mau

Là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của nhiều tỉnh, thành trung tâm trên cả nước, ngành công nghiệp may Việt Nam những năm gần đây được đánh giá có những bước tiến tích cực. Tại Cà Mau, tỉnh có lực lượng lao động dồi dào, có thể đáp ứng nhu cầu nếu các công ty may được đầu tư tại tỉnh nhà. Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp may của tỉnh chưa phát triển, chủ yếu là may gia đình với các hộ kinh doanh cá thể.

Công ty TNHH May mặc xuất nhập khẩu Gia Bảo đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Ảnh: Hồng Phượng
Công ty TNHH May mặc xuất nhập khẩu Gia Bảo đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Ảnh: Hồng Phượng

Hiện toàn tỉnh Cà Mau chỉ có 2 công ty may đang hoạt động với quy mô tương đối lớn và khoảng gần 800 cơ sở may mặc chuyên sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu người dân trong tỉnh, nhìn chung đơn giản, chủng loại ít và sản lượng còn khiêm tốn.

Là 1 trong 2 công ty may mặc xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Cà Mau, sau hơn 1 năm xây dựng và đi vào hoạt động, Công ty TNHH May mặc xuất nhập khẩu Gia Bảo (Công ty Gia Bảo), đã phát triển sản xuất, xuất khẩu hàng may mặc đi các nước; đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho trên 130 công nhân, người lao động tại công ty và liên kết với 6 điểm gia công trong tỉnh, tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương.

Anh Phạm Bình Xuyên quê ở xã Tân Trung, huyện Ðầm Dơi, quyết định ở lại quê hương sau ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vừa qua, hiện đang làm việc cho Công ty Gia Bảo. Anh chia sẻ: “Sau nhiều năm lao động nơi xứ người, với mức thu nhập của công nhân, vợ chồng phải gói ghém và tiết kiệm chi tiêu thì mới đảm bảo cuộc sống. Qua gần 1 năm làm việc tại Công ty Gia Bảo, đến nay thu nhập của tôi cũng ổn định, còn vợ thì đang làm tại tổ hợp tác may gần nhà vừa kiếm thu nhập, vừa thuận tiện chăm sóc con cái”.

Quê ở xã Tắc Vân, TP. Cà Mau, trước đây làm cho một công ty may ở Long An, rồi dịch bệnh phức tạp, chị Nguyễn Như Quỳnh trở về quê hương, sau đó xin vào làm tại Công ty Gia Bảo đã hơn 1 năm nay. “Tuy đi làm ngoài tỉnh lương cao nhưng phải chi nhiều thứ nên không tích luỹ được gì. Còn làm tại tỉnh, lương không cao hơn so với các tỉnh trên nhưng được ở gần gia đình, nên nếu việc làm ổn định thì tôi sẽ không đi xa nữa”, chị Như Quỳnh cho biết.

Trước đây từng làm ở công ty thuỷ sản, rồi lập gia đình, sinh con, chị Ngô Thu Bốn (Khóm 3, phường Tân Thành, TP. Cà Mau) nghỉ việc ở nhà, khi Công ty Gia Bảo tuyển công nhân, chị xin vào làm cho đến nay. Theo chị Thu Bốn chia sẻ, làm việc ở công ty may không phải tăng ca như công ty thuỷ sản trước đây, với mức lương trung bình hơn 5 triệu đồng/tháng sau khi trừ bảo hiểm xã hội, chị cảm thấy hài lòng vì làm việc gần nhà, thuận tiện chăm sóc con.

Mặc dù tạo được việc làm cho lao động tại địa phương, nhưng do phải chịu tác động bởi dịch COVID-19 nên đến nay Công ty Gia Bảo cũng đang gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sau hơn 1 năm công ty đi vào hoạt động. Ông Ngô Vũ Khanh, Giám đốc Công ty Gia Bảo, chia sẻ: “Tới thời điểm hiện tại, công ty phát huy hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, do đợt dịch vừa qua kéo dài, công ty phải tốn nhiều chi phí chi trả lương để đảm bảo cho công nhân lao động ổn định cuộc sống nên hiện nay công ty gặp khó khăn về tài chính. Rất mong sự đồng hành của các cấp, các ngành, các đơn vị tài chính để công ty tiếp cận được nguồn vốn nhằm tiếp tục duy trì và phát triển ngành may mặc của tỉnh”.

Ông Huỳnh Văn Minh, Phó giám đốc Sở Công thương Cà Mau, cho biết: “Ðã qua, ngành công nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh hình thành nhỏ lẻ, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh theo yêu cầu của khách hàng. Nguyên nhân của sự chậm phát triển này, phần chính là do Cà Mau ở quá xa trung tâm kinh tế, cảng biển… nên gặp khó khăn về giao thông vận tải và dịch vụ logistics; khó khăn về hợp tác, giao dịch kinh doanh với các doanh nghiệp dệt may lớn của các tỉnh lân cận hay các thành phố lớn khác, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Khó khăn nhất là hiện nay các khu, cụm công nghiệp chưa hình thành, giao thông hạn chế, do đó phát triển công nghiệp may mặc nói riêng, công nghiệp của tỉnh nói chung còn hạn chế”.

Theo ông Huỳnh Văn Minh, lực lượng lao động trong tỉnh khá đông, nếu như ngành công nghiệp may mặc phát triển thì nguồn lao động tại chỗ đáp ứng nhu cầu, công nhân lao động không phải đi làm việc ngoài tỉnh.

Hiện nay tỉnh Cà Mau đang xây dựng quy hoạch chung thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2050. Trong đó có các phương án phát triển công nghiệp của tỉnh, có quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Chức năng của các khu công nghiệp, khu kinh tế có đề cập việc phát triển ngành may mặc. Khi quy hoạch được phê duyệt sẽ mời gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khi đó sẽ kêu gọi nhà đầu tư lĩnh vực may mặc, đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như tham gia thị trường xuất khẩu.

Với nguồn lao động tại chỗ dồi dào, thêm vào đó tỉnh Cà Mau đang xúc tiến đầu tư các trục giao thông để thu hút đầu tư vào tỉnh, khi giao thông thuận lợi sẽ thu hút được các nhà đầu tư, theo ông Huỳnh Văn Minh, ngành may mặc Cà Mau sẽ được đầu tư phát triển giai đoạn 2025-2030.