Nâng cao giá trị sản phẩm ngành May mặc
Sau khi dịch bệnh COVID-19 từng bước được kiểm soát, ngành May mặc trong nước đã có dấu hiệu phục hồi tích cực. Để nâng cao giá trị sản phẩm ngành này, các chuyên gia cho rằng cần có sự đầu tư về chiều sâu, nhất là các dự án hỗ trợ cho công nghiệp may mặc.
Khôi phục sản xuất
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, những tháng đầu năm nay, thị trường các nước trong khu vực bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 nên đơn hàng đổ dồn về Việt Nam, tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Nhờ vậy, ngành Dệt may đã có những bước tăng trưởng khá; kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 29 tỉ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2020.
“Tại CTCP An Hưng, năm nay, doanh nghiệp đã ký kết được nhiều đơn hàng có giá trị cao. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của đơn vị. Đến tháng 9, công ty đã khôi phục hoạt động sản xuất; liên tục tăng ca để đảm bảo tiến độ các đơn hàng. Đến nay, doanh thu đạt hơn 350 tỉ đồng; tăng trưởng 3-5% so với năm 2020”, ông Bùi Xuân Khương - Phó Tổng giám đốc CTCP An Hưng cho biết.
Tương tự, tại CTCP Đầu tư Quốc tế Phong Phú - Phú Yên, trước khi dịch bệnh bùng phát, tình hình sản xuất, kinh doanh rất thuận lợi. Bình quân mỗi tháng, 4 nhà máy của doanh nghiệp này xuất được hơn 500.000 sản phẩm, doanh thu trên 30 tỉ đồng. Dịch bệnh bùng phát, sản lượng, doanh thu của các nhà máy đều giảm 50%. Doanh nghiệp đã nỗ lực khôi phục sản xuất; ưu tiên cho các đơn hàng gấp... nhưng vẫn gặp khó khăn do chi phí tăng thêm cũng như việc giải quyết các đơn hàng trễ hạn.
Mặc dù đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp may mặc đã dần phục hồi nhưng qua các đợt dịch bệnh COVID-19, việc không chủ động được nguyên phụ liệu sản xuất sản phẩm may mặc, ảnh hưởng đến xuất khẩu lại được đặt ra.
Theo ông Bùi Xuân Khương, tại CTCP An Hưng, trên 90% nguyên phụ liệu may mặc đều nhập từ nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc). Riêng một số phụ tùng như thùng các tông, bao bì ni lông, kim, chỉ lấy từ doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam. Nhưng cũng chính điều này khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều hạn chế trong quá trình hội nhập.
Đơn cử, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), ngành May mặc Việt Nam bị tác động nặng nề. Bởi lẽ, nơi đây chính là nguồn cung cấp rất nhiều nguyên, phụ liệu may mặc cho các doanh nghiệp của nước ta.
Kêu gọi đầu tư dự án công nghiệp hỗ trợ
Phó Tổng giám đốc CTCP An Hưng Bùi Xuân Khương cho rằng, việc chủ động được nguồn nguyên, phụ liệu có ý nghĩa rất quan trọng, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ may mặc trong nước mới khai thác các phụ liệu phụ như kim, chỉ, bao bì, nút… với quy mô hạn chế.
Để đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ may mặc, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đầu tư về chất lượng, công suất và giá thành cạnh tranh. Trong khi đó, suất đầu tư của công nghiệp hỗ trợ rất cao. Muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may phải phát triển theo quy mô công nghiệp lớn, có sự đầu tư bài bản chuyên sâu… mới đảm bảo được tính hiệu quả, khả quan. Do vậy, các doanh nghiệp, nhà đầu tư còn khá e ngại.
Theo ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc Phú Yên hoạt động ổn định với tổng công suất 18 triệu sản phẩm/năm, giải quyết việc làm cho hơn 5.500 lao động. Nhưng sản phẩm may mặc của tỉnh chủ yếu gia công cho các tổng công ty, đối tác nước ngoài, chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu.
Thời gian tới, tỉnh Phú Yên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ may mặc nói riêng để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng, đóng góp tăng trưởng nhanh cho ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh. Sở Công thương sẽ tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành cùng nhà đầu tư để thu hút, phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phát triển với nhiều chính sách ưu đãi của trung ương, địa phương đã ban hành.
“Về lâu dài, để nâng cao giá trị ngành May mặc, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ vô cùng cần thiết. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp thì việc nội địa hóa nguồn nguyên phụ liệu cũng sẽ tạo nên nhiều lợi thế cạnh tranh, nhất là trong thời điểm các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực”, ông Võ Đình Hạnh nói.
Bên cạnh những mối nguy, thì dịch bệnh cũng tạo nhiều thời cơ cho doanh nghiệp dệt may, chủ yếu là việc thu hút nguồn lao động dồi dào. Cụ thể, CTCP An Hưng đã tuyển dụng và đào tạo thêm được 600 lao động, nâng tổng quân số lên trên 3.000 người. CTCP Đầu tư Quốc tế Phong Phú - Phú Yên cũng tuyển dụng thêm hơn 300 lao động để bổ sung vào các chuyền may bị thiếu hụt, nâng tổng số lao động lên 2.500 người.