“Rất bất ngờ về ngành ngân hàng”
(Tài chính) Ông Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết kỳ họp Quốc hội trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình chưa dám hứa về nợ xấu bao giờ giảm được, nhưng kỳ này, Chính phủ đã nói thẳng đến năm 2015 nợ xấu sẽ xuống 3%.
Ông Phan Văn Quý
Ông Phan Văn Quý: Sở dĩ ngành ngân hàng bị rơi vào khủng hoảng năm 2011 là vì trước đó ngành ngân hàng đưa tín dụng ra thị trường quá cao. Thực tế tín dụng chỉ nên tăng từ 15 - 17% là hợp lý, nhưng có những năm, tín dụng tăng 35 - 37%. Vốn chảy từ trong ngân hàng ra thị trường quá lớn nhưng không phải vào sản xuất mà phần lớn lại đổ vào những lĩnh vực nóng, như chứng khoán, bất động sản.
Khi kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng bắt đầu từ Mỹ sang châu Âu thì ngành tài chính của Việt Nam bị ảnh hưởng. Cũng vì thế, những vấn đề như một ngân hàng vay của mấy ngân hàng, sở hữu chéo, bệnh tín dụng đi ra quá nhiều, đặc biệt là mấy “ông chủ” ngân hàng tham vọng quá lớn, huy động của dân và quá dễ lại cho vay đầu tư vào các dự án bất động sản, chứng khoán…
Các “ông chủ” ngân hàng ôm các mã chứng khoán có tính tín chấp lợi suất cao và khi khủng hoảng xảy ra thì chủ ngân hàng bị lỗ nặng, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ. Nhưng là tiền huy động của dân, nên khi bị ảnh hưởng, họ không bị ràng buộc nhiều hoặc họ lách luật nên mới đẩy ngành ngân hàng vào khủng hoảng.
Vậy những vấn đề sở hữu chéo lũng đoạn, tình trạng không minh bạch của cổ đông lớn ngân hàng đã được xử lý chưa?
Tôi thấy ngành ngân hàng đang giải quyết theo hướng này. Tuy nhiên, thời gian qua, chưa có ngân hàng nào bị phá sản theo đúng nghĩa.
Tôi nghĩ, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nếu như làm ăn không ổn, nếu như những ông chủ ngân hàng cứ dùng vốn huy động của dân rồi đem vào đầu tư lĩnh vực rủi ro, gây nợ xấu cho nền kinh tế thì cũng nên cho phá sản. Như vậy, vấn đề này sẽ minh bạch.
Ngành ngân hàng phải dùng để phục vụ cho xã hội chứ không phải phục vụ cho một nhóm người là cổ đông lớn trong ngân hàng. Tôi tin là cách đi của ngành ngân hàng đã theo hướng này. Từ cách đi khoa học đó mà giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có việc vốn của DN.
Theo ông, thời gian qua, có những ngân hàng báo lỗ hoạt động trong từng quý riêng lẻ. Nguyên nhân của việc này là gì?
Đấy là hoạt động minh bạch. Ngân hàng lỗ quý này nhưng quý sau lãi. Vì nợ xấu đến kỳ mà không được thanh toán thì phải trích lập dự phòng rủi ro. Mặc dù ngân hàng có lãi, có độ chênh lệch vài trăm tỷ, nhưng có hợp đồng đến hạn mà khách hàng không trả được thì phải trích lập dự phòng rủi ro. Như vậy, ngân hàng phải lấy chênh lệch đó bù vào, nếu dương thì có lãi, âm thì lỗ.
Lâu nay, ngân hàng cứ báo lãi để giữ chữ thương hiệu, nhưng bây giờ thanh tra NHNN làm rất chặt cho nên ngân hàng phải hoạt động minh bạch. Bây giờ, cũng nhiều ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, chỉ có một số ít ngân hàng chưa lên.
Chính phủ cũng yêu cầu đưa các ngân hàng lên niêm yết trên thị trường chứng khoán để dễ quản lý. Tuy nhiên, những ngân hàng chưa niêm yết vẫn phải báo cáo tài chính đầy đủ, theo yêu cầu của Luật chứng khoán.
Ông nghĩ sao khi có một số ngân hàng nhỏ nhưng vẫn muốn mở rộng quy mô khiến cho lợi nhuận năm sau thấp hơn năm trước, thậm chí có quý còn bị lỗ?
Tôi nghĩ rằng từ khi khủng hoảng đến nay, các ngân hàng đang co lại. Chỉ những ngân hàng nào khỏe mới mở rộng. Ngày trước đua nhau mở các chi nhánh, phòng giao dịch thì bây giờ họ co lại để tiết giảm chi phí.
Ông nghĩ sao khi một số ngân hàng nhỏ tăng cường số lượng phó tổng giám đốc? Liệu đây có phải là do họ mở rộng lĩnh vực hoạt động nên cần thêm quản lý?
Một số ngân hàng có tiềm năng thì vẫn mở rộng lĩnh vực hoạt động được. Còn với những ngân hàng nhỏ thì có thể là họ tăng cường bộ máy quản lý, vì nếu tăng lên thị phần thì chắc là chưa vì họ đang nhỏ và ốm yếu. Họ phải khỏe thì mới tăng thị phần được.
Về mặt logic kinh tế, khi ngân hàng muốn phát triển lên và tăng thị phần thì chỉ ngân hàng khỏe mới làm được điều đó. Còn những ngân hàng yếu thì phải nghĩ để củng cố sức khỏe của mình đã.
Do vậy, khi họ tăng nhân sự lên thì chắc là họ nghĩ tới quản lý. Trước đây, bộ máy quản lý của họ yếu chưa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh của họ thì giờ họ tăng lên để quản lý chặt chẽ hơn.
Nhưng liệu có nguy cơ quản lý chồng chéo?
Tôi nghĩ các ông chủ ngân hàng đã tính toán kỹ. Theo logic kinh tế thì phải giảm chi vì mình đang còn ốm yếu, để khỏe lên thì mới mở rộng đầu tư. Còn khi ốm yếu thì phải tăng quản lý bằng cách tăng nhân sự lên.
Ốm yếu trong ngành ngân hàng thời gian qua có nhiều lý do, trong đó có lý do về nhân sự thiếu và yếu. Đây cũng là biện pháp các ngân hàng tăng quản trị và quản lý có hệ thống.