RCEP sẽ làm tăng thêm 2,1% GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương

PV.

Sau 8 năm, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) và ký kết ngày 15/11/2020. Hiệp định RCEP sẽ mở ra giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới, đầy hứa hẹn tốt đẹp. Dự kiến, RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1%,

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn lãnh đạo các nước ASEAN, các nước đối tác, Tổng Thư ký ASEAN nhân dịp Hiệp định RCEP được ký kết. Nguồn: baochinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn lãnh đạo các nước ASEAN, các nước đối tác, Tổng Thư ký ASEAN nhân dịp Hiệp định RCEP được ký kết. Nguồn: baochinhphu.vn

Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, ngày 15/11 Bộ trưởng Kinh tế của 15 quốc gia đã ký kết Hiệp định RCEP từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Chứng kiến và phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, Hiệp định RCEP sẽ sớm được các nước phê chuẩn và thực thi trong thời gian tới. Hiệp định sẽ là động lực góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đem lại thịnh vượng chung cho người dân, doanh nghiệp của các nước thành viên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau 8 năm, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định RCEP với khối lượng công việc đồ sộ, sẽ mở ra giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới, đầy hứa hẹn tốt đẹp.

"Lễ ký kết Hiệp định RCEP lần này là niềm tự hào, là thành quả to lớn của việc các nước ASEAN, với vai trò trung tâm của mình đã cùng với các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

RCEP được đánh giá là thỏa thuận thương mại tự do quan trọng nhất và lớn nhất thế giới. Khi thực thi, Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. Từ đó, ASEAN sẽ trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung. Hiệp định RCEP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, trong đó 15 thành viên của RCEP chiếm 47,4% dân số thế giới, đóng góp khoảng 1/3 tổng GDP toàn cầu, 29,1% thương mại thế giới và 32,5% đầu tư toàn cầu.

Ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%.

Sự đồng thuận trong việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng như những cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ sẽ tạo cơ hội để các nước thành viên tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, mở ra tiềm năng tiếp cận các thị trường mới, gắn kết vững chắc hơn trong một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, thay vì chỉ tập trung vào việc mở cửa thị trường song phương với các đối tác chủ chốt.

Ngoài những lợi ích về kinh tế, Hiệp định phản ánh nỗ lực của ASEAN trong việc hội nhập kinh tế sâu rộng hơn và cam kết về thương mại tự do, đồng thời gửi đi thông điệp phản đối chủ nghĩa bảo hộ và giúp thúc đẩy lòng tin vào toàn cầu hóa. Việc thực hiện RCEP là đóng góp thiết thực của ASEAN và các đối tác vào việc củng cố, cải tiến hệ thống thương mại đa phương công bằng, dựa trên luật lệ.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác, ngài Tổng Thư ký ASEAN về sự ủng hộ, nỗ lực trong nhiều năm qua để RCEP - một hiệp định đang được đánh giá là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất đã được ký kết.