RCEP tạo “cú huých” mới cho doanh nghiệp Việt Nam
Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng được thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng mới trong khu vực ASEAN…
Tạo lập cấu trúc thương mại mới
Sau hàng chục vòng đàm phán và thảo luận kéo dài trong 8 năm, ngày 15/11/2020, 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) đã chính thức ký kết RCEP. Hiệp định này mở ra cơ hội mới về hợp tác thương mại đa phương, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới hậu Covid-19.
RCEP được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan tổ chức theo hình thức trực tuyến do Việt Nam chủ trì.
RCEP được khởi động vào tháng 11/2012 tại Phnom Penh (Campuchia) theo sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa các nước thành viên và 6 quốc gia đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc - những quốc gia đều đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) độc lập với ASEAN.
Chia sẻ về lợi ích và tác động của RCEP đối với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, khi RCEP được thực thi vào giữa năm 2021 sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, khoảng 30% GDP toàn cầu, tương đương gần 27 nghìn tỷ USD và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Phân tích thêm về những lợi thế khác biệt của RCEP so với các FTA khác, người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng: Các cam kết của Việt Nam trong RCEP rất linh hoạt và thêm một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các FTA của ASEAN trước kia, như: Thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, mua sắm của Chính phủ. RCEP có tính chất khác xa so với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết gần đây như: CPTPP, EVFTA…, nên lợi ích mang lại cũng khác biệt hơn.
Nhìn chung, với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia, RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực ASEAN.
Theo ông Tim Evans - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, việc ký kết RCEP theo hình thức trực tuyến bất kể đại dịch Covid-19 kéo dài cho thấy, quyết tâm của Chính phủ 15 nước thành viên đối với hợp tác, kết nối và trong việc xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng chung. Mặc dù, thương mại quốc tế còn nhiều bất ổn tiềm tàng, nhưng việc ký kết RCEP đã thể hiện niềm tin vào mở cửa thị trường sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế cao hơn...
Liệu có “cú sốc” về giảm thuế quan đối với Việt Nam?
Chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Hiệp định RCEP: Cơ hội và thách thức” ngày 19/11/2020, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, RCEP sẽ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực ASEAN và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, RCEP cũng đưa ra các quy tắc xuất xứ nhất quán trong khu vực và đơn giản hóa tối đa. Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, do nguồn cung nguyên liệu đầu vào nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu tại các thị trường lớn như: Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.
Đặc biệt, việc cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho nước ta xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường các nước thành viên RCEP một cách nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn.
Theo thống kê, hàng năm, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất từ các nước ASEAN với giá trị khoảng 30 tỷ USD. Nước ta cũng nhập siêu nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như: Điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Thực tế trên cho thấy, việc ưu tiên cắt giảm thuế quan đối với nhóm các mặt hàng này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, qua đó tăng sức cạnh tranh cho các hàng hóa sản xuất trong nước liên quan.
Hiện tại, Việt Nam đã tham gia với các nước ASEAN và 5 nước đối tác trong RCEP theo các FTA giữa nội khối ASEAN, cụ thể là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các FTA giữa ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trên (gọi là các FTA ASEAN+1).
“Quá trình tự do hoá thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong hơn 20 năm qua và với 5 nước đối tác được thực hiện trong khoảng 15 năm qua. Vì vậy, việc thực hiện RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra “cú sốc” về giảm thuế quan đối với Việt Nam”, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh.
Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình. Đối với các cam kết thuế quan, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng từ 85,6 % - 89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam với khoảng từ 90,7% - 92% số dòng thuế.