Rốt ráo với nợ xấu

Minh Huệ - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh các tỉnh, thành phố “đốc thúc” công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn.

Rốt ráo với nợ xấu
Bản thân các ngân hàng cũng đang rất đau đầu với nợ xấu. Nguồn: internet

Đây là một trong những nội dung được Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm, vì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hứa với đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sẽ đưa nợ xấu về 3% trong năm 2015.

Thực tế, bản thân các ngân hàng cũng đang rất đau đầu với nợ xấu. Nếu nhìn vào lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong vài quý gần đây thì có thể thấy, trích lập dự phòng đã ăn mòn lợi nhuận.

Do phải trích lập một khoản tương đối lớn, tương đương khoảng 2,4%, lợi nhuận trước thuế quý III/2014 của VIB là 798 tỷ đồng, nhưng sau thuế chỉ còn lại 234 tỷ đồng. Nhờ vậy, nợ xấu của VIB chỉ còn 2,19%, tức giảm 19% tương đương 810 tỉ đồng.

Ngân hàng đang sốt ruột

ACB cũng là một ngân hàng đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý III/2014 đã giảm đến 34%, lũy kế 9 tháng đầu năm giảm 25%.

Giải trình của ACB cho biết mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.735 tỷ đồng, nhưng do phải trích dự phòng rủi ro tín dụng tới 664 tỷ đồng nên lợi nhuận giảm chỉ còn 837,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.071 tỷ đồng và theo đó ACB có khả năng hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm.

Tuy nhiên, nợ xấu lại là nỗi lo lớn, dù tăng trích lập dự phòng như nợ xấu của ACB vẫn tăng lên, đạt mức 3.478 tỷ đồng, chiếm 3,07% tổng dư nợ, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 70%...

Một số ngân hàng lại chọn giải pháp khác, ví như Vietinbank lại chọn giải pháp cơ cấu nợ theo kiểu chuyển nợ thành cổ phần. Cụ thể, phương án chuyển 5.000 tỷ đồng tiền vay của Vinalines tại Vietinbank đã được NHNN trình lên Chính phủ. Nếu được chấp thuận, nợ quá hạn, nợ xấu của Vietinbank sẽ giảm mạnh.

Giải pháp này cũng đã được Maritimebank áp dụng. Trong báo cáo, kiểm toán Ernst & Young đã đưa ra một số lưu ý, trong đó có nhắc đến giải pháp xử lý nợ của CTCP Thuận An (Thuận An) bằng việc chuyển đổi nợ vay thành vốn góp, thông qua đó sở hữu 60% vốn của Thuận An tại ngày 30/6. Việc chuyển đổi nợ vay này đã được báo cáo cho NHNN và hiện đang chờ hướng dẫn từ cơ quan này.

Chạy nước rút

Cùng đó, Vietinbank cũng đẩy mạnh bán nợ xấu cho Công ty mua bán tài sản Quốc gia (VAMC). Theo thống kê của CTCK Bản Việt, Vietinbank đã bán hơn 6.000 tỷ đồng nợ xấu (tương đương 281,7 triệu USD) cho VAMC, tính đến cuối tháng 11/2014. Nhờ vậy, nợ xấu của Vietinbank đã giảm xuống còn 1,35% so với con số 2,53% của quý II/2014.

Sacombank cũng là ngân hàng tích cực bán nợ cho VAMC. Theo báo cáo tài chính quý III/2014 của Sacombank, nợ xấu đã giảm rất mạnh, từ 1.334 tỷ đồng quý II/2014 xuống còn 758 tỷ đồng trong quý này. Trong khi, 9 tháng năm 2014, Sacombank mới chỉ trích lập dự phòng khoảng 43 tỷ đồng, tương đương khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân giúp ngân hàng này giảm mạnh nợ xấu là do bán nợ cho VAMC. Còn nhớ năm 2013, Sacombank cũng là ngân hàng bán nợ với giá trị lớn khoảng 800 tỷ đồng cho VAMC. Một nguồn tin cho biết, tính đến thời điểm này, Sacombank đã bán khoảng 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Tuy vậy, công cuộc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng không hề đơn giản. Thời điểm cuối năm 2015 không phải là thời gian dài, bởi vậy, nếu ngay từ bây giờ, NHNN không đốc thúc thì việc giải quyết nợ xấu khó có thể về đích.

Theo thống kê của NHNN, ba năm qua, ngành ngân hàng đã xử lý được 249.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu so với con số 464.000 tỷ đồng nợ xấu vào thời điểm NHNN xây dựng Đề án xử lý nợ xấu (tháng 9/2012) thì số nợ xấu đã xử lý được lên tới 53,6%.

Đây là con số không nhỏ, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là, con số trên có phải là con số thực, bởi trong bối cảnh nền kinh tế chưa có nhiều biến chuyển tích cực, các ngân hàng đang còn gặp rất nhiều khó khăn, nguồn lực để xử lý nợ xấu lấy từ đâu ra?

Để xử lý nợ xấu thời gian qua của hệ thống ngân hàng, nguồn lực được sử dụng từ chính các tổ chức tín dụng bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của mình để xử lý nợ xấu; các bên vay ngân hàng có điều kiện kinh tế được cải thiện hơn, trả nợ cho ngân hàng để xử lý nợ xấu; Chính phủ đứng ra để xử lý nợ xấu thông qua VAMC.

Tuy vậy, việc xử lý nợ xấu không giảm nhanh như kỳ vọng. Bởi vậy, có thể, trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu thông qua giải pháp cơ cấu nợ theo hướng chuyển đổi thành cổ phần. Đây cũng là giải pháp được SHB xử lý khá thành công với Công ty cổ phần thủy sản Bình An.

Theo giới chuyên gia, nếu việc chuyển đổi cổ phần là phương án tốt cho cả ngân hàng và doanh nghiệp thì không có lý do gì mà không mở rộng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.