Rủi ro giao kết khi doanh nghiệp thay người đại diện
(Tài chính) Hàng loạt hợp đồng, quyết định của doanh nghiệp có nguy cơ bị vô hiệu khi người đại diện chưa được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp một doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, vận chuyển gần đây là một ví dụ. Công ty này đã có sự thay đổi lớn về cổ đông, kèm theo đó là sự thay đổi của 4/5 thành viên HĐQT được bầu bổ sung. Do đang gặp khó khăn, đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết, nên các cổ đông của Công ty đã yêu cầu thay đổi người điều hành và bổ nhiệm Tổng giám đốc mới.
Sau khi nhận bàn giao, vị tổng giám đốc này bắt tay vào công việc và đã ký nhiều hợp đồng, ban hành nhiều quy chế mới, sắp xếp lại nhân sự. Tuy nhiên, nhiều hoạt động của doanh nghiệp đã gặp phải khó khăn khi một số hợp đồng mà tân Tổng giám đốc ký kết có nguy cơ vô hiệu chỉ vì Tổng giám đốc mới chưa được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tư cách người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Theo Luật sư Mai, khi thay đổi người đại diện theo pháp luật, doanh nghiệp bắt buộc phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và chỉ khi được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tư cách của người đại diện mới chính thức được thừa nhận. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, để hoàn tất thủ tục thay đổi người đại diện, doanh nghiệp phải mất ít nhất một vài ngày, ở nhiều trường hợp, thậm chí doanh nghiệp phải chờ trong nhiều tuần. Trong khoảng thời gian này, các hợp đồng mà người đại diện theo pháp luật mới được bổ nhiệm đã ký có thể bị yêu cầu tuyên vô hiệu và để lại nhiều hậu quả phiền phức cho doanh nghiệp.
“Có trường hợp doanh nghiệp bị người lao động khiếu kiện lên cơ quan quản lý khi chấm dứt hợp đồng lao động. Cùng với việc giải quyết đơn thư, doanh nghiệp có thể còn bị thanh tra, sẽ làm mất thời gian cũng như ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, Luật sư Mai nói và cho biết thêm, có trường hợp tranh chấp hợp đồng, bên tranh chấp đã bám vào việc người đại diện chưa được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Về xử lý hậu quả của giao dịch vô hiệu, theo quy định, các bên phải trả cho nhau những gì đã nhận. Việc này, rõ ràng không phải là điều doanh nghiệp mong muốn.
Để tránh rủi ro vô hiệu trong trường hợp này, theo Luật sư Mai, đơn giản nhất là công ty tiếp tục để người đại diện cũ ký kết các giao dịch. Tuy nhiên, trên thực tế, với các doanh nghiệp, khi có sự thay đổi về chủ sở hữu, ông chủ mới sẽ không mong muốn tiếp tục sử dụng bộ máy điều hành cũ.
Ngoài ra, công ty cũng có thể yêu cầu Tổng giám đốc cũ ký giấy ủy quyền cho Tổng giám đốc vừa được bổ nhiệm để ký kết các văn bản, hợp đồng theo thẩm quyền. Nhưng một công ty vừa trải qua biến động trong nội bộ, Tổng giám đốc cũ sẽ không dễ dàng chấp nhận ký giấy ủy quyền để tránh phải chịu trách nhiệm trong trường hợp có tranh chấp về sau.
“Nhìn chung, đây là kẽ hở từ thủ tục hành chính. Việc ghi nhận người đại diện theo pháp luật trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là cần thiết để các đối tác bảo đảm rằng đã ký đúng với người có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện thủ tục hành chính trên thực tế thường bị kéo dài vì nhiều lý do, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, Luật sư Mai nói.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, việc giải quyết điều chỉnh đăng ký doanh nghiệp được thực hiện trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Nhưng trên thực tế, thời gian này luôn kéo dài hơn, thậm chí cả tháng. Khoảng thời gian này, nếu doanh nghiệp không giải quyết được vấn đề người đại diện thì rất nhiều hoạt động, giao dịch có nguy cơ phải dừng lại, ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh.
Bất cập này sẽ được giải quyết khi Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực từ tháng 7 tới đây quy định cho phép doanh nghiệp có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Như vậy, khi người đại diện cũ bị bãi miễn, doanh nghiệp vẫn có người đại diện khác đủ thẩm quyền ký kết. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chờ luật mới có hiệu lực, doanh nghiệp vẫn cần đề phòng rủi ro.