Rủi ro từ hàng giả trực tuyến
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều cơ hội cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng với đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tăng, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội và các website chưa được đăng ký với Bộ Công Thương. Những hoạt động này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Thực trạng hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội
Những tháng gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái đã được các cơ quan chức năng phát hiện. Một trong những vụ điển hình là việc kiểm tra tại Tòa nhà Eco Green, Hà Nội, nơi lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, được bán chủ yếu qua hình thức livestream trên mạng xã hội. Đây chỉ là một trong số hàng nghìn vụ vi phạm đang diễn ra hàng ngày trên không gian mạng.
Theo báo cáo từ Tổng cục Quản lý thị trường, đối với hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong 9 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã phát hiện, xử lý 3.961 vụ vi phạm xử phạt vi phạm hành chính 54,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 12,2 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử: 9 tháng năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 35,4 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29,4 tỷ đồng. Đáng lưu ý, tình trạng này không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn mà đã lan rộng ra khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan là do việc kiểm soát chưa chặt chẽ trên môi trường mạng xã hội. Nhiều người tiêu dùng, vì thiếu thông tin hoặc không có kiến thức đầy đủ về sản phẩm, đã dễ dàng bị lừa bởi những quảng cáo và livestream hấp dẫn. Điều này tạo ra một thị trường thuận lợi cho các đối tượng xấu lợi dụng, trà trộn hàng hóa không rõ nguồn gốc vào thị trường.
Hậu quả của việc mua phải hàng giả, hàng nhái không chỉ dừng lại ở việc mất tiền mà còn có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nếu không được kiểm định chất lượng, có thể gây ra những hậu quả khó lường. Hơn nữa, tình trạng này còn ảnh hưởng nặng nề đến uy tín và doanh thu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng.
Vai trò của các nền tảng thương mại điện tử
Các nền tảng thương mại điện tử đã và đang cố gắng thực hiện các biện pháp kiểm soát để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều giao dịch vẫn diễn ra trên các nền tảng chưa được đăng ký, làm gia tăng rủi ro cho người tiêu dùng. Đại diện TikTok Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, trong khi các sàn thương mại điện tử đã được cấp phép có quy trình quản lý nghiêm ngặt, thì các giao dịch trên mạng xã hội lại không được giám sát tương tự.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết người tiêu dùng hiện vẫn mua hàng trên các website chưa được Bộ Công Thương xác nhận, và phần lớn các trường hợp mua bán hàng giả đều diễn ra qua hình thức giao dịch không chính thức.
Theo luật sư Nguyễn Tuấn Anh, để ngăn chặn khắc phục tình trạng này, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ cả cơ quan nhà nước và người tiêu dùng. Thêm vào đó, cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hàng giả, hàng nhái và cách nhận diện chúng. Chương trình giáo dục này có thể được thực hiện qua các kênh truyền thông xã hội, hội thảo, hoặc các lớp học trực tuyến. Cần có những quy định nghiêm ngặt hơn về việc đăng ký và kiểm soát các website thương mại điện tử, đặc biệt là những nền tảng không chính thống. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường xử lý nghiêm minh đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, cơ quan quản lý thị trường, và các nền tảng thương mại điện tử là rất cần thiết để tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và an toàn.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách đăng ký bản quyền, nhãn hiệu, và thực hiện các biện pháp bảo vệ thương hiệu. Khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử đã được cấp phép và có quy trình quản lý rõ ràng.
Tình trạng hàng giả, hàng nhái, và vi phạm sở hữu trí tuệ đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong thương mại điện tử tại Việt Nam. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Chỉ khi người tiêu dùng được trang bị kiến thức đầy đủ, và các cơ quan chức năng siết chặt kiểm soát, chúng ta mới có thể hy vọng xây dựng một môi trường thương mại điện tử an toàn và lành mạnh./.