'Sắc xanh' trở lại trên sàn chứng khoán châu Á, lan tỏa sang châu Âu

Theo Phương Oanh-Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)

Tâm lý của các nhà đầu tư đã ổn định trở lại trước thông tin số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 có xu hướng giảm cùng các biện pháp kích thích kinh tế được triển khai.

Sắc xanh trở lại trên sàn chứng khoán châu Á, lan tỏa sang châu Âu. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Sắc xanh trở lại trên sàn chứng khoán châu Á, lan tỏa sang châu Âu. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Sau khi thị trường toàn cầu chứng kiến mức sụt giảm lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua, "sắc xanh" đã trở lại trên thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch chiều 10/3 khi tâm lý của các nhà đầu tư phần nào đã ổn định trở lại trước thông tin số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có xu hướng giảm cùng các biện pháp kích thích kinh tế được triển khai trên toàn cầu.

Khép lại phiên 10/3, các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Trung Quốc đồng loạt tăng điểm sau khi giảm mạnh trong phiên trước.

Chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải tăng 1,82% lên mức 2.996,76 điểm.

Tuy nhiên, chỉ số này vẫn giảm hơn 2,5% so với mức cao nhất đạt được hồi tuần trước.

Chỉ số CSI300 tăng 2,14% trong khi chỉ số Thâm Quyến tiến 2,43% và đóng cửa ở mức 1.887,34 điểm.

Tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng cũng tăng 1,41% và đóng cửa ở mức 25.392,51 điểm.

Tâm lý nhà đầu tư đã được hỗ trợ trước thông tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Vũ Hán, tâm điểm của dịch COVID-19, qua đó dấy lên hy vọng rằng Trung Quốc có thể sớm phục hồi kinh tế khi số ca nhiễm mới tiếp tục giảm.

Trong khi đó, chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (MSCI), không tính Nhật Bản, cũng tăng 1,33%.

Trên sàn chứng khoán Tokyo của Nhật Bản, chỉ số Nikkei tăng 0,85% lên 19.867,12 điểm.

Trước đó trong phiên 9/3, chỉ số này giảm hơn 5%, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2018.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng rời khỏi mức thấp của 6 tuần khi chỉ số KOSPI đã "nhích" 8,16 điểm, tương đương 0,42%, lên mức 1.962,93 điểm.

Trước đó, KOSPI đã lao dốc 4,2% xuống mức thấp nhất kể từ tháng Tám năm ngoái.

Nhờ giá dầu đi lên, các thị trường chứng khoán tại các nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ cũng có sự phục hồi mạnh mẽ khi bắt đầu phiên giao dịch 10/3, dẫn đầu là chứng khoán Saudi Arabia với mức tăng 5,6%.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán Abu Dhabi, Kuwait, Qatar lần lượt tăng 4,2%, 6,6% và 3%. Bahrain và Oman cũng ghi nhận các mức tăng 1,2% và 0,2%.

"Sắc xanh" cũng lan tỏa sang thị trường chứng khoán châu Âu khi mở cửa phiên giao dịch ngày 10/3, các chỉ số chính đã tăng 1%.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 trên sàn giao dịch London (Anh) đã tăng 1,8% lên mức 6.073,61 điểm.

Chỉ số DAX 30 trên sàn giao dịch Frankfurt (Đức) cũng tăng 1,2% lên mức 10.750,58 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 trên sàn Paris (Pháp) cũng tăng 1,7% lên mức 4.787,17 điểm.

Tại Milan (Italy), chỉ số FTSE MIB cũng "nhích" 1% lên mức 18.665,21 điểm sau khi lao dốc hơn 11% khi chính phủ công bố các biện pháp quyết liệt hơn nhằm kiềm chế dịch bệnh bùng phát.

Trước đó một ngày, các thị trường chứng khoán châu Âu đã hứng chịu những "cú giáng" mạnh mẽ do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu khiến giá "vàng đen" lao dốc cũng như tình hình dịch bệnh ngày càng xấu tại châu Âu.

Trong khi đó, chỉ số chứng khoán RTS của Nga đã giảm mạnh hơn 10% trong phiên giao dịch sau ngày nghỉ.

Chỉ số RTS đã lao dốc 16% ngay khi mở cửa phiên giao dịch trước khi giảm 12% vào lúc 10 giờ 15 phút theo giờ GMT.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong ngày 10/3, Ngân hàng Trung ương Nga đã bắt đầu chủ động bán ngoại tệ trên thị trường nội địa trong khuôn khổ quy tắc ngân sách.

Quyết định này được đưa ra dựa trên tình hình hiện tại trên thị trường dầu mỏ và tác động của nó đối với hoạt động của Quỹ Tài sản quốc gia (NWF).

Trước đó, đồng rubble Nga đã giảm giá mạnh, từ mức 67 rubble/USD xuống mức 75 rubble/USD trong ngày 9/3 trên thị trường giao dịch điện tử do giá dầu thế giới giảm tới 31%.