Thị trường chứng khoán và dầu mỏ toàn cầu: Chao đảo vì “cú sốc” Covid-19

Theo Quỳnh Dương/hanoimoi.com.vn

Cách đây hơn 10 ngày, nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ Nouriel Roubini đã đưa ra dự đoán về hậu quả của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó nhận định, thị trường chứng khoán thế giới sẽ sụt giảm 30-40%.

Thị trường chứng khoán và dầu mỏ toàn cầu chao đảo vì “cú sốc” Covid-19.
Thị trường chứng khoán và dầu mỏ toàn cầu chao đảo vì “cú sốc” Covid-19.

Được gọi là “Dr Doom" vì thường xuyên đưa ra những cảnh báo bi quan về thị trường tài chính, nhưng ông Roubini từng dự đoán chính xác về vụ nổ bong bóng bất động sản ở Mỹ dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hay “vũng lầy” nợ công của Hy Lạp. Lần này, dự báo từ nhà kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu trở thành hiện thực khi thị trường chứng khoán và dầu lửa toàn cầu đang chứng kiến sự lao dốc kỷ lục.

Ngay từ sáng 10/3, thị trường chứng khoán châu Á lại “đỏ lửa” sau khi chứng khoán phố Wall (Mỹ) chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 12 năm. Trên sàn chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), đầu phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 "bốc hơi" hơn 800 điểm xuống còn 18.891,77 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018. Chỉ số Topix mất 18,41 điểm (1,33%), xuống 1.370,56 điểm. Trên sàn chứng khoán Trung Quốc, chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải mất 0,83% còn 2.918,93 điểm, trong khi chỉ số Thâm Quyến giảm 1,14% xuống mức 1.821,58 điểm.

Trước đó, chốt phiên giao dịch ngày 9/3 (rạng sáng 10-3 giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones của Mỹ đã mất 2.013,76 điểm, tương đương 7,79%, xuống 23.851,02 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi chỉ số này giảm 7,87% vào ngày 15/10/2008 khi thị trường biến động do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu... Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng chao đảo, với các chỉ số chứng khoán tại Anh, Đức và Italia giảm 7,5-11,2%.

Theo các nhà phân tích kinh tế, thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc khi số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại Mỹ và châu Âu tăng vọt trong 2 ngày qua. Tâm lý lo ngại về tác động của dịch bệnh đè nặng tăng trưởng của các nền kinh tế, khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu để chuyển đến những kênh khác an toàn hơn.

Sự lo lắng này cũng bao trùm các sàn giao dịch dầu thô. Ngày 9/3, “vàng đen” đã mất tới 25% giá trị khi giá dầu Brent giảm 30%, xuống 31 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2016.

Giá dầu WTI cũng giảm 27% xuống 30 USD/ thùng, ngưỡng đáy của 4 năm qua. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ năm 1991, thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Diễn biến trên xảy ra ngay sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước ngoài khối (OPEC+) không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng bởi Nga từ chối siết chặt nguồn cung. Đáp lại, OPEC tuyên bố loại bỏ mọi giới hạn sản xuất của các thành viên.

Trước cuộc gặp, Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trong OPEC, hy vọng các nhà sản xuất trong và ngoài khối, trong đó có Nga, nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu đến 1,5 triệu thùng/ngày trong quý II-2020, đồng thời muốn kéo dài thỏa thuận giảm 2,1 triệu thùng/ngày dự kiến hết hạn trong tháng 3 này, cho đến cuối năm 2020 để đối phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Đề xuất của “anh cả” nhóm OPEC đưa ra trong bối cảnh bản đồ dịch Covid-19 vẫn tiếp tục mở rộng, sản xuất, giao thương của nhiều quốc gia có dịch bị đình trệ đã khiến nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu giảm mạnh. Dù trong phiên giao dịch ngày 10-3, giá dầu Brent tăng lên 36,06 USD/thùng và dầu WTI lên 32,66 USD/thùng nhưng những yếu tố hỗ trợ giá dầu trong thời gian tới vẫn rất yếu.

Ngân hàng Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo giá dầu thô thế giới quý II và quý III năm nay xuống còn 30 USD/thùng. “Cuộc chiến” vừa xuất hiện giữa Nga và OPEC thậm chí có thể đẩy triển vọng này xuống thấp hơn nữa. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhận định “cú sốc” Covid-19 sẽ vẫn là rủi ro lớn nhất đối với chứng khoán toàn cầu.