Sai lầm thường mắc phải khi chọn việc làm
Có nhiều công việc chúng ta có thể làm nhưng một công việc liên quan tới kỹ năng, tính cách và cảm xúc mạnh nhất của chúng ta sẽ giúp chúng ta đi xa hơn và tồn tại lâu hơn trong sự nghiệp. Tìm kiếm công việc phù hợp là một quá trình khó khăn và phức tạp. Bạn có thể phải ân hận vì đã lãng phí thời gian và công sức vào một công việc không đem lại hạnh phúc cũng như cơ hội phát triển bản thân.
Chọn việc không phải là một quyết định được đưa ra nhanh chóng, nó là một chuỗi các quyết định, được hình thành qua các giai đoạn khác nhau của cuộc sống, kinh nghiệm và trách nhiệm. Bạn không thể chọn “bừa” một công việc vì nể bạn bè giới thiệu hay vì một phút bốc đồng. Chính vì sự bột phát đó mà hiện nay rất nhiều người không thỏa mãn với công việc hiện tại. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần, thể chất và sự phát triển nghề nghiệp của họ.
Thế nên, bạn cần cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định sẽ ứng tuyển vào những vị trí ra sao. Để quá trình này đơn giản hơn, bạn hãy tránh những sai lầm dưới đây khi chọn nghề và tìm việc:
Chọn lựa một công việc đơn giản, dễ làm
Chọn lựa một công việc quá đơn giản, thậm chí đơn điệu, không cần vận dụng tới những gì bạn được học hay kỹ năng bạn có là một sự lãng phí tài năng. Mục đích khi tìm việc của chúng ta là những công việc giúp mình tận dụng và phát triển sức mạnh của bản thân.Tiền bạc là một trong những vấn đề quan trọng khi cân nhắc chọn việc nhưng không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Bạn sẽ mất nhiều thời gian tìm việc (thậm chí không thể tìm được) nếu chỉ chăm chăm vào những việc “lương cao, nhàn hạ”. Đặc biệt, đối với người vừa tốt nghiệp đại học mới bước chân vào thị trường lao động, tư tưởng chỉ tìm việc lương cao có thể khiến họ nhanh chóng thất vọng và chán nản.
Chọn việc vì chức danh
Hãy chọn việc bạn đam mê và có thể làm tốt thay vì dựa trên chức danh. Một chức danh nghe có vẻ “oách” nhưng không thể mang lại cho bạn niềm vui, thỏa mãn và sự phát triển nếu bạn không được làm những gì phù hợp với mình.
Nhận việc cấp trên đề nghị
Khi cấp trên đề nghị một vị trí còn trống dành cho bạn, bạn cần xem xét vị trí đó có thực sự phù hợp với mình hay không trước khi chấp nhận. Bạn có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu mở rộng trách nhiệm ở công việc hiện tại thay vì chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, không cần tới kỹ năng và kiến thức hiện có của mình.
Chọn việc theo ý muốn của bố mẹ
Dù bố mẹ luôn muốn những điều tốt đẹp nhất với bạn bằng cách hướng bạn tới công việc họ cho là thích hợp, bạn cần xác định chắc chắn rằng mình có thực sự phù hợp và đam mê công việc đó hay không. Đừng chọn việc chỉ với lý do bố mẹ bạn muốn vậy. Hãy khám phá khả năng của bạn và thảo luận với họ với kế hoạch sự nghiệp của bạn.
Bên cạnh đó, cũng đừng vì áp lực “cha truyền con nối” hay để hoàn thành mong ước chưa hoàn thành của bố mẹ khi còn trẻ mà chấp nhận công việc mình không thích.
Chọn việc vì thử thách bản thân
Tất nhiên, những thử thách sẽ giúp bạn có động lực phấn đấu. Tuy nhiên, những thử thách mà bạn ít có khả năng thực hiện, chẳng hạn chuyển sang làm một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ với bạn so với những gì bạn đang có, có thể không phải là một động lực mạnh mẽ. Có nhiều công việc chúng ta có thể làm nhưng một công việc liên quan tới kỹ năng, tính cách và cảm xúc mạnh nhất của chúng ta sẽ giúp chúng ta đi xa hơn và tồn tại lâu hơn trong sự nghiệp.
Chọn việc mà không tìm hiểu bản thân
Trước khi đầu tư nhiều năm và tiêu tốn tiền bạc vào việc học hành, hãy dành thời gian để nghiên cứu về bản thân mạnh, điểm mạnh, yếu, kỹ năng hiện có, mong muốn, sở thích… Khi trưởng thành hơn, nguyện vọng việc làm của bạn có thể thay đổi nhưng hãy đảm bảo rằng bạn biết mình có gì và thực sự muốn gì trước khi đưa ra quyết định chọn việc.