Sản xuất công nghiệp quý I/2019

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

Sản xuất công nghiệp quý I/2019 đạt mức tăng trưởng cao, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không bứt phá mạnh mẽ như quý I/2018 nhưng vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế; riêng ngành khai khoáng tiếp tục xu hướng giảm, khẳng định nền kinh tế đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2019 ước tính tăng 27,6% so với tháng trước chủ yếu do có số ngày làm việc nhiều hơn (Tháng Hai năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán). So với cùng kỳ năm trước, IIP tháng Ba tăng 9,1%, trong đó ngành khai khoáng tăng 0,4%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 11%.

Tính chung quý I/2019, IIP ước tính tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn cao hơn mức tăng 7,4% và 4,8% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 11,1%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung, tuy nhiên tốc độ tăng này thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 15,7% của cùng kỳ năm 2018; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,5%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 2,1% (chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 6,2%), làm giảm 0,3 điểm phần trăm mức tăng chung.

Xét theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo) quý I năm 2019 tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 10,6% (sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 9,7% và sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 11%).

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất quý I/2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 96,1%; sản xuất kim loại tăng 37,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 20,8%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 13,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 12,8%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 11,6%; sản xuất đồ uống tăng 11,4%; khai thác quặng kim loại tăng 10,9%.

Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 3,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 2,9% (cùng kỳ năm trước tăng 29,3%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 1,3%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 0,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 6,2% (khai thác dầu thô giảm 10,3% và khai thác khí đốt tự nhiên giảm 2,4%); khai khoáng khác (đá, cát, sỏi…) giảm 0,2%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Xăng, dầu tăng 73,2%; sắt, thép thô tăng 64,8%; ti vi tăng 49,3%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 37,8%; ô tô tăng 22,3%; phân u rê tăng 13,1%; sơn hóa học tăng 12,9%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 12,4%; giày, dép da tăng 11,7%; thức ăn cho thủy sản tăng 10,9%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Điện thoại di động tăng 2,1%; xe máy tăng 2%; thuốc lá điếu tăng 0,4%; thép thanh, thép góc giảm 0,5%; phân hỗn hợp NPK giảm 0,6%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 2,4%; đường kính giảm 5,3%; dầu thô khai thác giảm 10,3%; linh kiện điện thoại giảm 26%.

Trong quý I/2019, chỉ số sản xuất công nghiệp của 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó Thanh Hóa có tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 51,2% do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đi vào sản xuất từ giữa năm 2018; Trà Vinh tăng 40,4% do Công ty Nhiệt điện Duyên hải tăng sản lượng điện sản xuất; Hà Tĩnh tăng 33,8% chủ yếu do đóng góp của Tập đoàn Formosa. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Hải Phòng tăng 20,1%; Vĩnh Phúc tăng 11,5%; Quảng Ninh tăng 10%; Hải Dương tăng 9,6%; Quảng Nam tăng 9%; Đồng Nai tăng 7,6%; Bình Dương tăng 7,2%; Hà Nội tăng 6,9%; Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh cùng tăng 6,2%; Thái Nguyên tăng 5,5%; Đà Nẵng tăng 5%. Các địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước: Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9% do khai thác dầu thô tiếp tục giảm; Hòa Bình và Sơn La giảm lần lượt là 8,9% và 16,8% do sản lượng điện sản xuất giảm; Bắc Ninh giảm 10,5% do sản xuất sản phẩm linh kiện điện thoại giảm mạnh.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2019 tăng 25,6% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm trước tăng 14,2%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 115%; sản xuất kim loại tăng 23,9%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 18,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 15,6%; sản xuất đồ uống tăng 12,5%; sản xuất xe có động cơ tăng 10%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: Dệt tăng 2,8%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 0,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 0,8%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 4,7%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2019 tăng 15,6% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2018 tăng 13,5%), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 5,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 2,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 0,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 4,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 21,9%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 58,2%.

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 105,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 59,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 42,6%; sản xuất kim loại tăng 42,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 39,1%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 38,7%; sản xuất trang phục tăng 35,9%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I năm 2019 là 72,9% (cùng kỳ năm trước là 68,2%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Dệt 292,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 135,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 95,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) 78,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 76,8%; sản xuất, chế biến thực phẩm 75,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic 75%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/3/2019 tăng 1,4% so cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,1%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 1% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,2%.

Lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/3/2019 so với cùng thời điểm năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Hải Phòng tăng 7,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 7,4%; Quảng Nam tăng 4,3%; Bình Dương và Vĩnh Phúc cùng tăng 4,1%; Hải Dương tăng 3,9%; Hà Nội và Đồng Nai tăng 1,9%; Quảng Ninh tăng 1,3%; Cần Thơ tăng 0,9%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,3%; Thái Nguyên giảm 2,3%; Bắc Ninh giảm 10,4% và Đà Nẵng giảm 13,2%.