Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 4 tháng đầu năm 2016
Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc cây trồng vụ đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam. Tính đến ngày 15/4, cả nước đã gieo cấy được 3072,1 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,3% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1147,6 nghìn ha, bằng 99,6%[1]; các địa phương phía Nam gieo cấy 1924,5 nghìn ha, bằng 99,1%.
Đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1585,8 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm hơn 80% diện tích xuống giống và bằng 95,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1426,3 nghìn ha, chiếm 92% diện tích gieo cấy và bằng 93,2%. Dự kiến đến hết tháng Tư, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch xong lúa đông xuân. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay đạt 67,2 tạ/ha, giảm 4 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 10,4 triệu tấn, giảm 700 nghìn tấn. Vụ lúa đông xuân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay bị ảnh hưởng lớn của tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn. Theo ước tính sơ bộ, diện tích lúa bị thiệt hại trên 70% sản lượng của cả vùng là 142,6 nghìn ha, chiếm 9,2% diện tích gieo cấy; bị thiệt hại từ 50%-70% sản lượng là 65,8 nghìn ha, chiếm 4,2%; bị thiệt hại từ 30%-50% sản lượng là 952 ha, chiếm 0,1%. Một số địa phương có sản lượng lúa đông xuân giảm nhiều so với năm trước: Kiên Giang giảm 312 nghìn tấn; Trà Vinh giảm 169 nghìn tấn; Long An giảm 105 nghìn tấn; Bến Tre giảm 86 nghìn tấn; Hậu Giang giảm 67 nghìn tấn.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, trên những diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch bà con tranh thủ gieo sạ được 628,4 nghìn ha lúa hè thu sớm, bằng 97% cùng kỳ năm trước. Thời tiết diễn biến phức tạp, khả năng hạn hán và nhiễm mặn còn tiếp diễn, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo các địa phương chỉ nên chọn 1-3 lúa giống chủ lực để kịp gieo trồng và thu hoạch lúa hè thu trong tháng Chín. Đối với diện tích lúa xuân hè thu hoạch muộn nên chuyển sang trồng màu hoặc nuôi thủy sản luân canh trên ruộng lúa.
Gieo trồng hoa màu nhìn chung đạt thấp. Tính đến giữa tháng Tư, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 439,8 nghìn ha ngô, bằng 93,9% cùng kỳ năm trước; 75,3 nghìn ha khoai lang, bằng 96,7%; 139,4 nghìn ha lạc, bằng 102,1%; 36,8 nghìn ha đậu tương, bằng 60,7%; 538,7 nghìn ha rau đậu, bằng 102,3%.
Chăn nuôi trâu, bò ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ gặp khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán, lượng nước và nguồn thức ăn khan hiếm. Đàn trâu cả nước trong tháng ước tính giảm 1,5%-2% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 0,5%-1%; đàn lợn tăng 2%-2,5%; đàn gia cầm tăng 3%-3,5%.
Tính đến thời điểm 20/4/2016, cả nước không còn dịch lợn tai xanh, các dịch bệnh chưa qua 21 ngày còn ở một số địa phương: Dịch cúm gia cầm ở Nghệ An; dịch lở mồm long móng ở Lai Châu, Quảng Bình, Lào Cai.
Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng tập trung tháng Tư ước tính đạt 21,8 nghìn ha, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 17,5 triệu cây, xấp xỉ cùng kỳ; sản lượng gỗ khai thác đạt 493 nghìn m3, tăng 3,6%; sản lượng củi khai thác đạt 2,9 triệu ste, tăng 0,7%. Tính chung 4 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 34,3 nghìn ha, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2015; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 77,3 triệu cây, tăng 0,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2106 nghìn m3, tăng 6,5%; sản lượng củi khai thác đạt 10,6 triệu ste, tăng 1,1%.
Do thời tiết khô hạn kéo dài nên mặc dù công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nhưng tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra ở một số địa phương. Trong tháng Tư, cả nước có 618 ha rừng bị thiệt hại, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 424 ha; diện tích rừng bị phá là 194 ha. Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, diện tích rừng bị thiệt hại là 1441 ha, tăng 83,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1150 ha, gấp 2,2 lần cùng kỳ; diện tích rừng bị chặt phá là 291 ha, tăng 16%. Theo thông tin cảnh báo cháy rừng từ cơ quan chức năng, cả nước hiện có 17 tỉnh có khu vực nguy cơ cháy rừng cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm[2]. Do đó, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Thủy sản
Sản lượng thuỷ sản tháng Tư ước tính đạt 569 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 400,2 nghìn tấn, tăng 1,3%; tôm đạt 53,1 nghìn tấn, giảm 1,3%. Nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ và tác động của hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng Tư ước tính đạt 236,2 nghìn tấn, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 162,3 nghìn tấn, giảm 1%; tôm đạt 43,4 nghìn tấn, giảm 2,3%.
Nuôi cá tra tuy đã cải thiện hơn về giá[3], nhưng do giá cá tra liên tục ở mức thấp trong một thời gian dài, môi trường nước lại thay đổi nên diện tích nuôi cá tra vẫn đang có xu hướng thu hẹp. Diện tích nuôi thả cá tra công nghiệp trong tháng ước tính đạt 2890 ha, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Cần Thơ đạt 466 ha, giảm 14%; An Giang 420 ha, giảm 16%; Vĩnh Long 291 ha, giảm 35%; Đồng Tháp 1110 ha, xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng ước tính đạt 68,8 nghìn tấn, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số địa phương có sản lượng sụt giảm mạnh: An Giang đạt 28 nghìn tấn, giảm 17%; Cần Thơ 11,3 nghìn tấn, giảm 7,5%; Tiền Giang 11 nghìn tấn, giảm 34,6%.
Nuôi tôm nước lợ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, tôm nuôi chậm lớn, dễ mắc bệnh. Diện tích thả nuôi tôm nước lợ trong tháng ước tính đạt 550 nghìn ha, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng giảm 14,8%; diện tích tôm sú tăng 3,3%. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng Tư ước tính đạt 13,8 nghìn tấn, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng của Cà Mau đạt 4,2 nghìn tấn, giảm 16%; Trà Vinh đạt 1 nghìn tấn, giảm 33%; Kiên Giang đạt 445 tấn, giảm 19%. Sản lượng tôm sú thu hoạch trong tháng đạt 14,6 nghìn tấn, tăng 8,5%, trong đó một số tỉnh có sản lượng tăng cao: Cà Mau đạt 7,5 nghìn tấn, tăng 25%; Bạc Liêu 4 nghìn tấn, tăng 49%; Kiên Giang 2,3 nghìn tấn, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2015.
Thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản trong khi giá xăng dầu giảm đã khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển. Sản lượng thủy sản khai thác tháng Tư ước tính đạt 332,8 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước (Sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 322,8 nghìn tấn, tăng 3,3%, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương đạt 2295 tấn, tăng 17,2%).
Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1804,7 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 785,8 nghìn tấn, tăng 1,1%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1054,9 nghìn tấn, tăng 3,5% (Sản lượng khai thác biển đạt 1006,6 nghìn tấn, tăng 3,7%, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương đạt 8385 tấn, giảm 5,6%).