Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017
Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong năm 2017 gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của thời tiết biến đổi bất thường, bão, mưa lớn gây ngập úng, vỡ đê bao tại một số địa phương phía Bắc và hiện tượng lũ sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến tiến độ, diện tích và năng suất cây trồng.
Sản lượng lúa cả năm 2017 ước tính đạt 42,84 triệu tấn, giảm 318,3 nghìn tấn so với năm 2016 do cả diện tích và năng suất đều giảm so với năm trước. Diện tích lúa cả năm 2017 ước tính đạt 7,72 triệu ha, giảm 26,1 nghìn ha so với năm 2016; năng suất lúa cả năm đạt 55,5 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha.
Trong sản xuất lúa, vụ đông xuân năm nay cả nước gieo cấy được 3,08 triệu ha, giảm 5,7 nghìn ha so với vụ đông xuân trước. Diện tích lúa đông xuân thời gian gần đây có xu hướng thu hẹp dần (tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long) do ảnh hưởng của thời tiết và một số địa phương chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác. Năng suất lúa đông xuân đạt 62,2 tạ/ha, giảm 0,7 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 19,15 triệu tấn, giảm 259 nghìn tấn, trong đó một số địa phương sản lượng giảm nhiều: Đồng Tháp giảm 165,8 nghìn tấn; Long An giảm 96,5 nghìn tấn; Hà Tĩnh giảm 86,8 nghìn tấn; Cần Thơ giảm 59,1 nghìn tấn.
Diện tích gieo cấy lúa hè thu năm 2017 đạt 2,11 triệu ha, tương đương vụ hè thu năm 2016; năng suất đạt 54,5 tạ/ha, tăng 1,2%; sản lượng đạt 11,49 triệu tấn, tăng 1,3%. Năng suất và sản lượng lúa hè thu năm nay của hầu hết các vùng tăng so với năm trước (riêng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung do ảnh hưởng của mưa, bão và sâu bệnh nên năng suất và sản lượng giảm), trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long năng suất đạt 54,8 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng đạt 9,05 triệu tấn, tăng 37,2 nghìn tấn.
Diện tích lúa thu đông tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ước tính đạt 769,4 nghìn ha, giảm 3,3 nghìn ha so với năm 2016; năng suất ước tính đạt 52,2 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha; sản lượng đạt 4,02 triệu tấn, tăng 124,2 nghìn tấn. Diện tích gieo trồng lúa thu đông giảm mạnh ở An Giang (giảm 17,8 nghìn ha) và Đồng Tháp (giảm 15,1 nghìn ha) do các địa phương chủ động xả lũ vào ruộng để tăng cường phù sa và ngăn ngừa dịch bệnh cho vụ lúa sau.
Sản xuất lúa mùa năm nay, đặc biệt là ở miền Bắc gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh, mưa lớn trên diện rộng đúng thời kỳ xuống giống, bệnh lùn sọc đen lây lan gây hại suốt thời kỳ lúa sinh trưởng, cuối vụ tiếp tục chịu tác động của bão, gây ngập lụt nghiêm trọng. Diện tích gieo cấy lúa mùa của cả nước đạt 1,76 triệu ha, giảm 17,5 nghìn ha so với vụ mùa năm trước; năng suất ước tính đạt 46,4 tạ/ha, giảm 1,4 tạ/ha; sản lượng ước tính đạt 8,18 triệu tấn, giảm 327,3 nghìn tấn.
Trong đó, diện tích lúa mùa của miền Bắc đạt 1,13 triệu ha, giảm 18,7 nghìn ha so với năm trước, chủ yếu do các địa phương chuyển một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác; năng suất ước tính đạt 46,1 tạ/ha, giảm 3,8 tạ/ha; sản lượng đạt 5,23 triệu tấn, giảm 527,1 nghìn tấn. Một số địa phương có sản lượng lúa mùa giảm mạnh so với năm trước: Nam Định giảm 130,2 nghìn tấn; Thái Bình giảm 107,3 nghìn tấn; Hải Dương giảm 63,7 nghìn tấn; Hà Nội giảm 46,4 nghìn tấn. Tại các tỉnh phía Nam, diện tích gieo cấy lúa mùa đạt 629,6 nghìn ha, tăng 1,2 nghìn ha so với năm trước; năng suất ước tính đạt 47 tạ/ha, tăng 3,1 tạ/ha; sản lượng đạt 2,96 triệu tấn, tăng 199,8 nghìn tấn.
Kết quả sản xuất hoa màu và một số cây hàng năm: Sản lượng ngô đạt 5,13 triệu tấn, giảm 114,6 nghìn tấn so với năm 2016 do diện tích gieo trồng giảm 52,9 nghìn ha (năng suất ngô tăng 1,1 tạ/ha). Sản lượng khoai lang đạt 1,35 triệu tấn, tăng 81,9 nghìn tấn (diện tích tăng 1,6 nghìn ha); mía đạt 18,32 triệu tấn, tăng 1,11 triệu tấn (diện tích tăng 12,8 nghìn ha); sản lượng sắn đạt 10,34 triệu tấn, giảm 569,1 nghìn tấn (diện tích giảm 34,4 nghìn ha); lạc đạt 461,5 nghìn tấn, giảm 2,1 nghìn tấn (diện tích giảm 4,1 nghìn ha); đậu tương đạt 102,3 nghìn tấn, giảm 22 nghìn tấn (diện tích giảm 16,1 nghìn ha); sản lượng rau các loại đạt 16,49 triệu tấn, tăng 562,8 nghìn tấn (diện tích tăng 29,5 nghìn ha); sản lượng đậu các loại đạt 162,3 nghìn tấn, giảm 5,3 nghìn tấn (diện tích giảm 10 nghìn ha).
Năm 2017, diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm ước tính đạt 2.215,1 nghìn ha, tăng 35,2 nghìn ha so với năm 2016, trong đó diện tích cao su đạt 971,6 nghìn ha, giảm 0,2% so với năm trước do một số tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang có xu hướng phá bỏ cây cao su già cỗi, chuyển đổi sang trồng tiêu và cây trồng khác, sản lượng cả vụ đạt 1.086,7 nghìn tấn, tăng 5%; hồ tiêu diện tích đạt 152 nghìn ha, tăng 17,6%, sản lượng đạt 241,5 nghìn tấn, tăng 11,6%; cà phê diện tích đạt 664,6 nghìn ha, tăng 2,2%, sản lượng đạt 1.529,7 nghìn tấn, tăng 4,7%; điều diện tích đạt 297,5 nghìn ha, tăng 1,5%, sản lượng đạt 210,9 nghìn tấn, giảm 30,9%; chè diện tích đạt 129,3 nghìn ha, giảm 3,1% do vùng chè Yên Bái và một số tỉnh miền núi phía Bắc đã chuyển sang trồng nhóm cây có múi (chủ yếu là cây cam), sản lượng chè búp đạt 1.040,8 nghìn tấn, tăng 0,7%.
Sản lượng cây ăn quả năm nay đạt khá do nhiều cây trồng tăng về diện tích và có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Sản lượng cam đạt 772,6 nghìn tấn, tăng 20,4% so với năm trước; quýt đạt 175,5 nghìn tấn, tăng 6,3%; bưởi đạt 571,3 nghìn tấn, tăng 13,4%; xoài đạt 788,2 nghìn tấn, tăng 8,3%; chuối đạt 2.066,2 nghìn tấn, tăng 5,2%; thanh long đạt 952,8 nghìn tấn, tăng 14,2%. Riêng sản lượng nhãn, vải đạt thấp do nhiều cây trồng không mang lại hiệu quả bị chặt bỏ ở miền Bắc và chịu ảnh hưởng của sâu bệnh tại các tỉnh phía Nam.
Chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, nuôi gia cầm đạt khá, riêng chăn nuôi lợn còn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ chưa có nhiều chuyển biến, giá thịt lợn ở mức thấp khiến quy mô đàn giảm. Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01/10/2017, đàn trâu cả nước có 2,5 triệu con, giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 5,7 triệu con, tăng 2,9%, đàn lợn có 27,4 triệu con, giảm 5,7%; đàn gia cầm có 385,5 triệu con, tăng 6,6%.
Sản lượng thịt hơi các loại năm nay đạt khá, trong đó sản lượng thịt trâu đạt 87,9 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt bò đạt 321,7 nghìn tấn, tăng 4,2%; sản lượng thịt lợn đạt 3,7 triệu tấn, tăng 1,9%; sản lượng thịt gia cầm đạt 1 triệu tấn, tăng 7,3%. Sản lượng trứng gia cầm đạt khá, ước tính năm 2017 đạt 10.637,1 triệu quả, tăng 12,6% do trong năm có nhiều doanh nghiệp, trang trại đầu tư mở rộng quy mô sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Một số địa phương có sản lượng trứng tăng cao: Sóc Trăng tăng 39%; Ninh Thuận tăng 28,8%; Long An tăng 27%; Tiền Giang tăng 20,5%; Phú Thọ tăng 18,1%; Bắc Giang tăng 15%; Lâm Đồng tăng 14,9%. Sản lượng sữa bò cả năm 2017 đạt 881,3 triệu lít, tăng 10,8% so với năm 2016. Tính đến thời điểm 25/12/2017 cả nước không còn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Thời tiết trong năm tương đối thuận lợi cho hoạt động trồng, chăm sóc rừng và khai thác lâm sản. Năm 2017, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 241,3 nghìn ha, tăng 1,2% so với năm 2016, trong đó diện tích rừng sản xuất ước tính đạt 228 nghìn ha, tăng 1,3%; rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 12,7 nghìn ha, giảm 1,5%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán cả năm đạt 99,8 triệu cây, tăng 0,6%.
Sản lượng gỗ khai thác năm 2017 ước tính đạt 11,5 triệu m3, tăng 12,4% do các thị trường tiêu thụ gỗ truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc tăng trưởng tốt. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao: Bình Định đạt 853 nghìn m3, tăng 17,9%; Bắc Giang đạt 575 nghìn m3, tăng 14,9%; Nghệ An đạt 515 nghìn m3, tăng 22%; Quảng Bình đạt 440 nghìn m3, tăng 55,8%; Hà Tĩnh đạt 419 nghìn m3, tăng 55,4%. Sản lượng củi khai thác đạt 26,3 triệu ste, tăng 0,4% so với năm 2016.
Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, đồng thời năm nay mưa nhiều nên diện tích rừng bị cháy giảm mạnh. Năm 2017, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.515,6 ha, giảm 55,9% so với năm 2016, trong đó diện tích rừng bị cháy là 471,7 ha, giảm 80%; diện tích rừng bị chặt phá là 1.043,9 ha, giảm 2,9%.
Sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc. Sản lượng thuỷ sản cả năm ước tính đạt 7.225,0 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm trước, trong đó cá đạt 5.192,4 nghìn tấn, tăng 4,8%; tôm đạt 887,5 nghìn tấn, tăng 8,8%.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt khá, nhất là nuôi tôm nước lợ và cá tra. Sản lượng thủy sản nuôi trồng cả năm ước tính đạt 3.835,7 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm 2016, trong đó cá đạt 2.694,3 nghìn tấn, tăng 4,2%; tôm đạt 723,8 nghìn tấn, tăng 10,3%. Nuôi cá tra gặp thuận lợi do giá cá tra nguyên liệu cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2016 và liên tục tăng qua các tháng đã khuyến khích người nuôi yên tâm đầu tư, thả nuôi trở lại.
Diện tích nuôi cá tra năm 2017 ước tính đạt 6.701 ha, tăng 18,9% so với năm trước; sản lượng ước tính đạt 1.251,3 nghìn tấn, tăng 5,0%. Nuôi tôm nước lợ gặp nhiều thuận lợi về thời tiết và giá cả. Năm 2017, diện tích nuôi tôm sú ước tính đạt 478,8 nghìn ha, tăng 1,1% so với năm trước, sản lượng đạt 254,9 nghìn tấn, tăng 4,4%; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 105,1 nghìn ha, tăng 8,2%, sản lượng đạt 432,3 nghìn tấn, tăng 14,3%.
Thời tiết trong năm tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển, cùng với dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển đã tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi bám biển, đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác thủy sản biển ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã phục hồi trở lại sau sự cố môi trường biển trong năm 2016.
Năm 2017, sản lượng thủy sản khai thác của cả nước ước tính đạt 3.389,3 nghìn tấn, tăng 5,1% so với năm 2016, trong đó cá đạt 2.498,1 nghìn tấn, tăng 5,4%, tôm đạt 163,7 nghìn tấn, tăng 2,6%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước tính đạt 3.191,2 nghìn tấn, tăng 5,1%, trong đó cá đạt 2.363,8 nghìn tấn, tăng 5,4%, tôm đạt 150,2 nghìn tấn, tăng 2,8%.