Sáp nhập ngân hàng có trở thành “cặp đôi” hoàn hảo?

Theo vietnamplus.vn

(Tài chính) Sau hơn 2 năm thực hiện quyết liệt tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, có mức tăng trưởng huy động vốn khá cao, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh, nguy cơ đổ vỡ do mất thanh khoản bị loại trừ hoàn toàn…

Sáp nhập ngân hàng có trở thành “cặp đôi” hoàn hảo?
Nóng, sôi động chuyện sáp nhập là không khí dễ thấy tại kỳ đại hội cổ đông của nhiều ngân hàng vừa qua. Nguồn: internet
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực tái cơ cấu giai đoạn 2 để sáp nhập thêm một số tổ chức tín dụng yếu kém làm lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng này. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Liên quan đến hậu sáp nhập ngân hàng, nhiều chuyên gia bày tỏ sự quan ngại về số phận của ngân hàng, liệu rằng có thật sự được lợi, hay sẽ đi đâu về đâu?.
 
Ngoài ra, trong công cuộc tái cơ cấu, ngành ngân hàng đã chứng kiến hàng loạt sự thay đổi nhân sự từ chuyên viên đến cấp cao vì nhiều lý do, song lý do nổi bật nhất là sự cần thiết của việc tái cơ cấu nhằm nâng cao năng lực cũng như nhu cầu bức thiết phải tiến hành mua bán và sáp nhập để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt.
 
Nếu như 2 năm về trước chuyện sáp nhập ngân hàng thường âm thầm diễn ra, chỉ đến khi tất cả đã chín muồi thì hai bên mới công bố, nhưng ở giai đoạn 2 này xu hướng sáp nhập đã trở nên rõ rệt.
 
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, rất nhiều ngân hàng đã công khai đối tác muốn trở thành “người thân” của mình, đặc biệt là ngân hàng nhỏ muốn sáp nhập vào ngân hàng lớn.
 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn chưa hết lo ngại về nguy cơ ngân hàng yếu kéo ngân hàng chưa đủ mạnh “lết” theo, hay nợ xấu của ngân hàng nhỏ sẽ lây lan sang ngân hàng lớn…
 
“Góp gạo thổi cơm chung”
 
Nóng, sôi động chuyện sáp nhập là không khí dễ thấy tại kỳ đại hội cổ đông của nhiều ngân hàng vừa qua. Theo kế hoạch tái cơ cấu đến năm 2017, số lượng ngân hàng sẽ được giảm từ 39 xuống khoảng 15. Đây cũng là cơ sở để tiến tới tự do hóa thị trường tài chính và tự do hóa các dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập quốc tế đến năm 2020.
 
Một trong những thương vụ được cho là điển hình của một ngân hàng yếu sáp nhập vào với một ngân hàng mạnh là Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) sáp nhập với Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank).
 
Nếu đặt lên bàn cân để so sánh thì Sacombank là một trong các ngân hàng cổ phần hoạt động hiệu quả nhất, có tổng tài sản gấp đôi, vốn gấp 3, lợi nhuận gấp 7 lần Southern Bank.
 
Trong khi Sacombank có vốn điều lệ 12.425 tỷ đồng, nằm trong nhóm các ngân hàng lớn trong nước thì Southern Bank hoạt động với quy mô quá nhỏ, ít người biết đến, hiện số vốn điều lệ của ngân hàng này mới đạt 4.000 tỷ đồng.
 
Thậm chí, một số cổ đông của Sacombank đã đặt dấu hỏi về Southern Bank, một ngân hàng có nhiều “tai tiếng” về số nợ xấu cao, lợi nhuận thấp…
 
Tuy nhiên, ông Kiều Hữu Dũng, tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank chia sẻ, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì sát nhập là cách để ngân hàng tăng cường quy mô, mạng lưới nhằm nâng cao tiềm lực.
 
Một thương vụ khác cũng được nhiều người quan tâm là Ngân hàng Phát triển Mekong (MDB) sáp nhập vào Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank-MSB. Tuy nhất trí phương án sáp nhập MDB, song nhiều cổ đông Maritime Bank lo ngại việc sáp nhập sẽ làm nợ xấu của Ngân hàng tăng lên. Ngoài ra, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1 khi sáp nhập hai ngân hàng cũng khiến nhiều cổ đông không hài lòng.
 
Về băn khoăn này, ông Đào Trọng Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Maritime Bank cho biết, giá trị của cả hai ngân hàng theo sổ sách khá tương đồng. Theo báo cáo kiểm toán hiện nay, giá trị sổ sách của Maritime Bank là 11.000 đồng một cổ phiếu, của MDB là 10.500 đồng.
 
Lãnh đạo Maritime Bank cũng khẳng định đây là sáp nhập tự nguyện chứ không phải việc xử lý một ngân hàng yếu kém. "MDB là một ngân hàng tuy nhỏ nhưng chất lượng tài sản, chủ yếu cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân rất tốt. Vì thế mà tổng tài sản không tăng cao," ông Khanh nói.
 
Trong một cuộc họp gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã từng phát biểu: “Tôi cảnh báo đến các ngân hàng nhỏ rằng rất khó hoạt động trong thời gian này vì khả năng cạnh tranh gần như không còn. Hơn lúc nào hết, vì lợi ích cá nhân và cộng đồng nên ngồi lại với nhau để bàn việc hợp nhất, sáp nhập.”
 
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện tại đang khuyến khích các ngân hàng lớn cùng tham gia vào công tác tái cấu trúc ngân hàng nhỏ, yếu, thay vì Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua cổ phần và tự vực dậy các ngân hàng trên. Theo vị lãnh đạo này, cách làm này tiết kiệm được chi phí, thời gian và cũng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều ngân hàng lớn. Ngân hàng Nhà nước hiện đang tạo điều kiện để các ngân hàng nhanh chóng hoàn tất các thủ tục sau khi được cổ đông đồng ý về chủ trương.
 
Xu hướng tất yếu
 
Thừa nhận việc ngân hàng quốc doanh sáp nhập các ngân hàng nhỏ sẽ không làm sức khỏe của các ngân hàng này bị suy yếu, vì những ngân hàng quốc doanh có tiềm lực lớn nhưng ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) lại cho rằng, việc sáp nhập này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự lành mạnh của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
 
Theo ông Thành, việc toàn bộ hệ thống ngân hàng tập trung vào một số ít ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ làm chậm quá trình cải thiện sức cạnh tranh của hệ thống vì thị trường ngân hàng đòi hỏi phải hình thành những định chế tài chính lớn.
 
“Vì vậy, nếu hệ thống ngân hàng tập trung quá nhiều vào các ngân hàng lớn của Nhà nước thì sẽ gây rủi ro trong tương lai vì những ngân hàng này có thể ảnh hưởng lớn về chính sách, gây ra sự thao túng thị trường,” ông Thành nhấn mạnh.
 
Theo ý kiến của bà Victoria KwaKwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc sáp nhập chỉ là một trong nhiều biện pháp tái cơ cấu và cải cách hệ thống tài chính ở mỗi quốc gia. Nếu rơi vào tình huống ngân hàng yếu mà lại sát nhập, “trộn” vào ngân hàng lớn hơn thì không thể giải quyết được vấn đề. Nói cách khác, sáp nhập không phải là phương án tối ưu để “cứu” các ngân hàng thoát khỏi đổ vỡ.
 
“Một nhà băng yếu được sáp nhập vào ngân hàng lớn hơn thì không thể khỏe lên, ngược lại nó lại khiến ngân hàng khỏe yếu đi,” bà Victoria Kwa Kwa e ngại.
 
Trái ngược với những nhận định trên, một số chuyên gia lại cho rằng, sáp nhập, hợp nhất lúc này là hợp lý bởi đây là cách tốt giúp các ngân hàng nhỏ giải quyết những vấn đề nội tại như non vốn, chất lượng tài sản kém...
 
Theo Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Vũ Viết Ngoạn, đã đến lúc cần để “anh mạnh” dìu dắt “kẻ yếu,” thay vì để các ngân hàng yếu loay hoay tụ họp với nhau. Điều quan trọng khi sáp nhập là đảm bảo tính minh bạch, làm theo giá thị trường. Chẳng hạn ngân hàng nào yếu hơn, rủi ro nhiều thì giá cổ phiếu phải thấp hơn và ngược lại. Cổ đông của hai bên đều không có thiệt thòi gì nếu đúng giá đó là giá thị trường.
 
Còn tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, hệ thống ngân hàng cần có thêm nhân tố mới, chất xúc tác mới để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Việc ngân hàng nhỏ xin được về với ngân hàng lớn là điều dễ hiểu do tính cạnh tranh của ngành này ngày càng phức tạp và khốc liệt hơn.
 
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng sau khi sáp nhập và chuẩn bị sáp nhập đã rất chú trọng vào chất lượng con người, chính vì vậy nhân sự tại các ngân hàng cũng có nhiều thay đổi trong thời gian vừa qua. Đây thực sự là “bài toán” mà các ngân hàng cần phải tính đến trong bối cảnh thị trường cạnh tranh quyết liệt như hiện nay.