Sắp trình Quốc hội Luật sửa đổi một số luật để thực thi CPTPP
Theo kế hoạch, Luật sửa đổi một số luật để thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được hoàn thành và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2019.
Theo đó, các luật được sửa đổi gồm có: Luật An toàn Thực phẩm 2010; Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2010; Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 (đối với những cam kết phải thực hiện ngay khi hiệp định có hiệu lực).
Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp và các bộ ngành có liên quan cùng thực hiện nhiệm vụ này. Đây là kế hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt theo Quyết định 121/QĐ-TTg thực hiện Hiệp định CPTPP vào cuối tháng 1 vừa qua.
Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định CPTPP và thị trường của các nước tham gia Hiệp định CPTPP; đồng thời, xây dựng thể chế pháp luật và các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đối với tổ chức công đoàn, các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, nông dân phù hợp với cam kết quốc tế.
Bên cạnh đó, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với các ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ biến động thị trường quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Ngoài việc đẩy mạnh dạy nghề, gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, các bộ, ngành cũng được yêu cầu xây dựng các biện pháp kỹ thuật gồm tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ, bảo vệ môi trường... để phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, các sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng.
Hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại cũng cần được tăng cường sử dụng nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu trước nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; đồng thời, chủ động xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định và cam kết quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, xây dựng và củng cố cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương trong các vụ việc phòng vệ thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam.
Đồng thời, sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của hiệp định hoặc các cơ chế khác khi cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Ngành công nghiệp sẽ được tập trung cơ cấu lại, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ, an toàn và thân thiện với môi trường.
Ngoài ra tại doanh nghiệp và các ngành sản xuất tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai các biện pháp nhằm cải thiện, nâng cao năng suất lao động.
Cùng với đó, tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng.