Bộ Tài chính xây dựng chính sách thuế thực hiện Hiệp định CPTPP

BD

Bộ Tài chính đang tích cực triển khai các bước xây dựng Dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thuế ưu đãi sẽ cắt giảm theo lộ trình

Hiệp định CPTPP được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 gồm 11 nước thành viên. Hiệp định CPTPP đã được 7 nước thành viên phê chuẩn và có hiệu lực đối với 6 nước gồm: Ô-xtơ-rây-lia; Ca-na-đa; Nhật Bản; Mê-hi-cô; Niu Di-lân và Xinh-ga-po từ ngày 30/12/2018 và có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn 2019-2022 này gồm: 07 điều, 02 phụ lục (Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi để thực hiện Hiệp định CPTPP và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định CPTPP; Danh mục hàng hóa và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô đã qua sử dụng áp dụng hạn ngạch thuế quan để thực hiện Hiệp định CPTPP).

Thời điểm áp dụng mức thuế ưu đãi, sẽ được áp dụng từ ngày 14/01/2019 - 31/12/2022: Đối với Liên bang Mê-hi-cô sẽ cắt giảm theo lộ trình bắt đầu từ năm thứ nhất. Còn đối với các nước Ô-xtơ-rây-lia, Ca-na-đa, Nhật Bản, Niu Di-lân, Cộng hòa Xinh-ga-po sẽ được cắt giảm theo lộ trình bắt đầu từ năm thứ hai.

Về nguyên tắc chuyển đổi, dự thảo quy định: Trong trường hợp các dòng thuế theo AHTN 2017 không thay đổi mã hàng hóa và mô tả so với các dòng thuế theo AHTN 2012 hoặc các dòng thuế AHTN 2017 được tách từ các dòng thuế theo AHTN 2012 thì giữ theo cam kết của dòng gốc trong AHTN 2012; Còn trong trường hợp: Các dòng thuế theo AHTN 2017 được gộp từ các dòng thuế theo AHTN 2012 có cùng cam kết thì giữ theo cam kết của các dòng gốc trong AHTN 2012; Còn đối với các dòng thuế theo AHTN 2017 được gộp từ các dòng thuế theo AHTN 2012 khác cam kết thì thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: Tiến hành tách dòng để đảm bảo giữ nguyên cam kết gốc theo AHTN 2012; Nếu trường hợp không thể tách được do không khả thi về mặt kỹ thuật thì lấy mức cam kết ưu đãi nhất.

Về điều kiện áp dụng thuế xuất khẩu ưu đãi: Đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi phải đáp ứng đủ các điều kiện như: Được nhập khẩu vào lãnh thổ các nước theo quy định tại Hiệp định CPTPP, bao gồm: Ô-xtơ-rây-lia; Ca-na-đa; Nhật Bản; Liên bang Mê-hi-cô; Niu Di-lân; Cộng hòa Xinh-ga-po. Có chứng từ vận tải thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước này và phải có bản sao tờ khai nhập khẩu tại lãnh thổ các nước được quy định tại Hiệp định CPTPP.

Khẩn chương xây dựng và hoàn thiện danh mục và thuế nhập khẩu

Mới đây, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các bộ, ngành, các doanh nghiệp về các nội dung mới như: điều kiện áp dụng thuế xuất khẩu ưu đãi, việc áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt khi nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường nội địa, danh mục và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô đã qua sử dụng áp dụng hạn ngạch thuế quan và thời hạn hiệu lực cũng như mức thuế suất của từng dòng hàng cụ thể… nhằm tiếp tục hoàn thiện Nghị định, nâng cao hiệu quả áp dụng thực tiễn

Với những bước triển khai thận trọng, có lộ trình cụ thể, Bộ Tài chính đã và đang giúp các các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp cận đối với các nội dung mới của Hiệp định CPTPP cũng như các chính sách mới của Việt Nam trong triển khai Hiệp định.

Bộ Tài chính đang tiếp tục tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định CPTPP và sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định.