Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Bài bản, khoa học, “có lý, có tình”
Chưa bao giờ hệ thống chính trị Việt Nam lại chứng kiến một cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy mạnh mẽ như hiện nay. Mặc dù tốc độ rất khẩn trương và quy mô lớn, tất cả đang được triển khai một cách bài bản, khoa học và bảo đảm “có lý, có tình”.

1. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang bước vào giai đoạn 2 với nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Các mốc tiến độ đã được Trung ương, Bộ Chính trị ấn định cụ thể, như bắt đầu kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 theo lộ trình chuyển tiếp và hoàn thành toàn bộ trước ngày 15/8/2025; hoàn thành sáp nhập các tỉnh trước ngày 1/9/2025. Ngày 5/5 tới đây, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ chín nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và các luật liên quan, nhằm thể chế hóa chủ trương trên.
Trong khi đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp vừa có Công văn số 03-CV/BCĐ gửi các ttỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.
Theo quyết định của Bộ Chính trị được ban hành năm 2022, tổng biên chế hệ thống chính trị cả nước giai đoạn 2022-2026 là hơn 2,23 triệu người; trong đó, riêng biên chế cán bộ, công chức là hơn 336.000 người. Thực hiện sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị, số lượng cấp tỉnh sẽ giảm 29-63 đơn vị; 696 quận, huyện, thị xã sẽ kết thúc hoạt động và cấp xã giảm 60-70% trong tổng số 10.035 đơn vị.
Trong khi số lượng đầu mối giảm lớn, cơ cấu tổ chức bộ máy và số lượng biên chế được định hướng thu gọn lại, dễ thấy, những tác động, ảnh hưởng đến lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là không nhỏ. Giữa lúc khối lượng công việc triển khai cực kỳ lớn, tiến độ được tính từng ngày, còn xuất hiện những băn khoăn, lo lắng về cả chất lượng, hiệu quả sắp xếp, những xáo trộn hoạt động của các cơ quan, đơn vị...
2. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề nảy sinh trên đây đã có trong dự liệu với các giải pháp căn cơ, bài bản để giải quyết. Cuộc sắp xếp diễn ra rất nhanh chóng, nhưng tốc độ ấy không đi kèm với sự nóng vội. Sắp xếp không đơn thuần là một cuộc “gom nhóm” cơ học, mà dựa trên phân tích chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc thực tế và đặc biệt là yếu tố con người. Tổ chức lại nhưng vẫn bảo đảm không làm gián đoạn công việc, không ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nhân dân.
121 nhiệm vụ đã được ấn định thời hạn, phân công cụ thể và được kiểm soát tiến độ từng ngày. Bộ Chính trị đã thành lập 19 đoàn kiểm tra do các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm trưởng đoàn phụ trách các tỉnh, thành phố, bảo đảm vừa kiểm tra, vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương.
Đặc biệt, xác định con người là trung tâm của mọi chủ trương, chính sách, ngay từ đầu, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo ban hành sớm quy định về chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư và thuộc diện khuyến khích về hưu trước tuổi để tạo điều kiện cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành nghị định, triển khai 8 nhóm chính sách, chế độ bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức (Nghị định số 178-NĐ/CP ngày 31/12/2024).
Đơn cử, để tăng cường cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương, cấp tỉnh đi công tác ở cơ sở (thời gian 3 năm), Chính phủ quy định 5 chế độ, như tiếp tục hưởng tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi; được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác...
Đó còn là các chính sách về trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức sau khi sắp xếp... Bộ Nội vụ cũng đã hướng dẫn cụ thể đối với 4 chế độ mà người nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc do sắp xếp được hưởng...
Trung ương còn chỉ rõ, biên chế và bộ máy chính quyền 2 cấp sau khi sắp xếp, trước mắt được giữ ổn định, chứ không cắt giảm ngay lập tức, mà có lộ trình 5 năm để tiến hành tinh gọn bộ máy theo cơ cấu “cứng” như quy định.
Tại Hà Nội, UBND thành phố đã ban hành khung tiêu chí và thang điểm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế. Việc đánh giá được thực hiện theo các tiêu chí của từng nhóm vị trí việc làm và theo thang điểm 100, dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất.
Ngay cả đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã được xác định dừng hoạt động với số lượng rất lớn lên tới gần 437.000 người, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ có thêm chính sách đối với đối tượng này. Trả lời cử tri về chế độ đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cũng cho biết sẽ chỉ đạo nghiên cứu để có chế độ hỗ trợ phù hợp, bảo đảm “có lý, có tình”.

3. Có thể nói, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy không thể không liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Một bộ máy tinh gọn tất yếu đi kèm với yêu cầu cao hơn về chất lượng đội ngũ. Không còn chỗ cho sự cào bằng, trung bình chủ nghĩa. Tuy nhiên, tinh giản biên chế không phải là “gạt bỏ” con người. Chính vì vậy, chính sách đối với người nghỉ việc, về hưu sớm hay chuyển đổi vị trí công tác luôn được đặc biệt chú trọng. Và như đã nói ở trên, các chế độ, chính sách hỗ trợ được xây dựng dựa trên nguyên tắc nhân văn, hợp lý và bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.
Điều cần thiết lúc này là cùng với việc thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức cần thể hiện rõ sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ thông qua thái độ, trách nhiệm và tổ chức thực hiện. Đó chính là chất keo giữ vững khối đoàn kết nội bộ, để mỗi cá nhân, dù tiếp tục công tác hay nghỉ hưu sớm, vẫn cảm thấy được ghi nhận.
Đồng thời, để cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy thành công, rất cần sự gương mẫu, hy sinh, sẻ chia của cán bộ, đảng viên vì lợi ích chung. Nói như PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, hơn lúc nào hết, đây là lúc cán bộ, đảng viên phải nêu gương về tinh thần sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết để hành động. Ngược lại, việc sát hạch hay lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải hết sức công bằng, minh bạch, không để xảy ra tình trạng người giỏi phải đi, người kém ở lại.
Một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân - đó là nền móng để kiến tạo một đất nước phát triển bền vững. Hơn bao giờ hết, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang thể hiện rõ một thông điệp: Mọi đổi mới, cải cách đều bắt nguồn từ dân và hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn. Đó không chỉ là mục tiêu, mà là mệnh lệnh từ thực tiễn và là lời hứa thiêng liêng của mỗi cán bộ, đảng viên trước nhân dân.
Trong từng hành động cải cách, trong từng quyết định tổ chức lại bộ máy là tâm huyết của những người làm công tác tổ chức, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và kỳ vọng của toàn xã hội. Hành trình ấy không dễ dàng, sẽ còn có những thách thức. Song, nếu giữ vững được tinh thần vì dân trong cả tổ chức và mỗi cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là đảng viên, hành trình ấy nhất định sẽ thành công.