Sau bản vị vàng, Bretton Woods, sẽ là ...?
Với những tranh cãi tiền tệ nóng bỏng gần đây, hệ thống tiền tệ thế giới đang dần bộc lộ những vấn đề nội tại. Liệu thế giới có thể đưa ra một cơ chế tiền tệ mới?

Các quan chức Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc trong việc không để đồng Nhân dân tệ tăng giá nhanh hơn. Ngược lại, phía Trung Quốc trả đũa bằng cách cho rằng nguồn gốc của sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức của Mỹ. Các nền kinh tế mới nổi khác thì tuyên bố mình là những nạn nhân vô tội khi các đồng nội tệ của họ bị ép buộc phải tang giá do dòng vốn nước ngoài ồ ạt chảy vào thị trường.
Mối bất hòa này báo hiệu vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Sự thật là không quốc gia nào hài lòng với hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay – các bộ quy tắc, các tiêu chuẩn và thể chế chi phối các đồng tiền cũng như dòng chảy của vốn xuyên quốc gia.
Hiện đang tồn tại ba vấn đề lớn.
Vấn đề thứ nhất chính là sự thống trị của đồng USD với vai trò là một đồng tiền dự trữ chính thức và hoạt động điều chỉnh của nước Mỹ đối với đồng USD. Phần lớn các giao dịch ngoại hối và dự trữ đều được thực hiện thông qua USD, ngay cả khi nước Mỹ chỉ chiếm có 24% tổng GDP toàn cầu. Đối với rất nhiều người, khó có thể nhận thấy quyền lực của đồng bạc xanh trong hoạt động thương mại, giá hàng hóa cơ bản và dự trữ chính thức. Đồng USD không chỉ thất bại trong việc phản ảnh thực tế kinh tế thế giới và còn tạo ra những điểm yếu cho chính sách tiền tệ nội địa của nước Mỹ.
Vấn đề thứ hai nằm ở chính hệ thống kinh tế hiện nay, đã nuôi dưỡng các tài khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ, đặc biệt ở các nước mới nổi. Tài khoản dự trữ của thế giới đã tăng từ 1,3 nghìn tỷ USD (5% GDP toàn cầu) trong năm 1995 lên 8,4 nghìn tỷ USD (14% GDP toàn cầu) ngày nay. Các nền kinh tế mới nổi nắm giữ hai phần ba trong số đó. Hầu hết các tài khoản dự trữ đấy được căng phồng lên trong mười năm trở lại đây.
Dự trữ ngoại hối của thế giới
Trong những năm 1990, khi vốn đầu tư nước ngoài vội vã rời bỏ thị trường và tình hình kinh tế thuận lợi của các nền kinh tế có dự trữ lớn như Trung Quốc và Brazil đã đẩy các chính phủ tới quan điểm về một mức dự trữ an toàn.
Vấn đề cuối cùng chính là quy mô và sự bất ổn của các dòng vốn. Khủng hoảng tài chính trở thành một hiện tượng thường thấy trong ba thập kỷ gần đây. Rất nhiều các nhà chính trị tranh luận rằng hệ thống tài chính của các nền kinh tế mới nổi có thể hứng chịu các dòng lũ vốn nước ngoài (như hiện nay) hay sự rút lui đột ngột của chính các dòng vốn này (như trong thời kỳ 1997 – 1998 và 2008), và điều này không hỗ trợ gì cho tăng trưởng dài hạn.
Pháp, quốc gia đóng vai trò chủ tịch của nhóm G20 sau hội nghị tại Seoul, nghĩ rằng thế giới có thể cải thiện tình hình hiện nay. Tổng thống Pháp, ông Nicolas Sarcozy muốn đưa cải cách tiền tệ quốc tế lên làm tâm điểm chương trình nghị sự của nhóm 20 nước G20 vào năm sau. Ông muốn vượt qua các rào cản đối với các biện pháp nâng cấp hệ thống đã lỗi thời.
Các nền kinh tế mới nổi đang chứng kiến sự vận động tư do hơn của các dòng vốn nhờ vào toàn cầu hóa và việc dỡ bỏ các quy định hạn chế. Dòng vốn tư nhân chảy vào những nền kinh tế này trong năm nay sẽ đạt tới 340 tỷ USD, tăng so với 81 tỷ USD trong thập kỷ trước. Khoảng 40% trong số đó dưới hình thức ngoại hối, tăng so với mức dưới 20% của 15 năm trước. Nhưng hầu hết các dòng vốn này khó có thể được quản lý. Các quốc gia đang tỏ ra miễn cưỡng trong việc thả nổi đồng tiền của mình. Khi vốn ngoại chảy vào, các ngân hàng trung ương mua ngoại hối để đẩy lùi sự tăng giá của đồng nội tệ.
Trung Quốc, nước lớn nhất trong nhóm các nước mới nổi, và cũng là quốc gia đang điều hành đồng tiền một cách hiệu quả, hiện nay đóng vai trò chi phối trong hệ thống tiền tệ thế giới.
Kế hoạch tái cân bằng, bao gồm việc Trung Quốc cho phép đồng Nhân dân tệ tăng giá thực tế nhanh hơn sẽ dẹp bỏ được những căng thẳng trong hệ thống tiền tệ. Nhưng sự thay đổi trong định hướng kinh tế từ xuất khẩu sang tiêu dùng của Trung Quốc và các nước có thặng dư thương mại khác sẽ đòi hỏi một thời gian.
Trong khi đó, dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi vẫn đang ngày một lớn hơn, do chương trình bơm tiền vào nền kinh tế của FED, khoảng cách ngày càng lớn của các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia giàu có có nền kinh tế đình trệ. Nó cũng phản ánh cơ cấu không cân đối của các tài sản thuộc nền kinh tế mới nổi trong danh mục của các nhà đầu tư.
Các biện pháp như ban hành hay tăng cường thuế và các quy định nhằm kìm hãm dòng vốn nóng cũng như thắt chặt tài khóa sẽ giúp kiểm soát dòng vốn chảy vào thị trường. Nhưng việc thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt hơn là cần thiết. Kinh tế thế giới rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: nếu các dòng vốn vận động, sự cứng nhắc của các đồng tiền sẽ dẫn tới bong bóng tài sản và lạm phát. Trừ khi các quốc gia sẵn sàng sống chung với một quả bom nổ chậm như vậy, hệ thống tỷ giá được duy trì như hiện nay mà Chủ tịch World Bank, ông Robert Zoellick gọi là Bretton Woods 2 , sẽ phải phát triển thành một hệ thống phản ánh kinh tế thế giới với sự kết nối giữa các thị trường tài chính và tiền tệ được thả nổi - một cơ chế tiền tệ mới.
Mặc dù hướng đi đã rõ ràng, tốc độ lại không cho thấy một dấu hiệu thay đổi lớn nào. Áp lực từ dòng vốn sẽ phụ thuộc vào triển vọng kinh tế của các nước giàu, đặc biệt là Mỹ với những quyết định của FED. Việc các nền kinh tế mới nổi cho phép đồng tiền của mình tăng giá sẽ phụ thuộc vào động thái của Trung Quốc.
Nếu sự phục hồi và triển vọng tài chính trong trung hạn của nền kinh tế Mỹ được cải thiện, tốc độ dịch chuyển của dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ chậm lại. Nếu Trung Quốc cho phép đồng Nhân dân tệ vận động linh hoạt hơn, hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ có khả năng đương đầu tốt hơn với sự toàn cầu hóa trong lĩnh vực tài chính cũng như khoảng cách ngày càng lớn giữa các nước giàu và các nước mới nổi. Nhưng nếu ngược lại, nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên đình trệ và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục duy trì giá trị đồng Nhân dân tệ như hiện nay, hệ thống tiền tệ cứng nhắc như hiện nay cuối cùng sẽ trở nên quá tải.