Sau Samsung, đến lượt Nokia đặt đại bản doanh sản xuất tại Việt Nam.

PV.

(Tài chính) Trong công văn gửi tới Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, Công ty TNHH Nokia Việt Nam cho biết hãng Microsoft (chủ mới của công ty Nokia) sẽ thu hẹp hoạt động kỹ thuật tại Bắc Kinh và hoạt động sản xuất chủ yếu sẽ được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, Brazil và Mexico.

Khi đi vào hoạt động, phần lớn sản phẩm của nhà máy Nokia Bắc Ninh sẽ được xuất khẩu, với tỷ trọng tăng dần. Nguồn internet
Khi đi vào hoạt động, phần lớn sản phẩm của nhà máy Nokia Bắc Ninh sẽ được xuất khẩu, với tỷ trọng tăng dần. Nguồn internet

Nhìn lại, Microsoft không phải là tập đoàn công nghệ đầu tiên muốn thu hẹp sản xuất tại Trung Quốc và nhắm tới Việt Nam. Vào tháng 3/2013, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đã tổ chức khởi công xây dựng khu tổ hợp công nghệ cao tại Thái Nguyên trị giá 2 tỉ USD. Nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cao này được xây dựng trên diện tích khoảng 100 ha và Samsung Electro-mechanics Vietnam đã đầu tư thêm 1.2 tỷ USD nữa vào khu này.

Với Samsung việc đưa dự án nhà máy mới vào hoạt động, dự báo sẽ mang về doanh thu xuất khẩu khoảng 23,9 tỉ USD. Khi khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên hoạt động toàn phần vào năm 2015, Việt Nam sẽ sản xuất hơn 80% số điện thoại di động của Samsung. Nâng tổng số lao động dự kiến phục vụ cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam đạt khoảng 90.000 người.

Về phần mình, hãng Microsoft cho biết dự tính sẽ nâng sản lượng hàng tháng tăng lên 3 lần so với sản lượng cuối năm 2013, nâng số lượng dây chuyền sản xuất của nhà máy Nokia Bắc Ninh từ 6 dây chuyền trong năm ngoái lên 39 dây chuyền tính đến cuối năm nay. Công suất của nhà máy khi đó có thể đạt 45 triệu sản phẩm/quý, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 nhân công.

Ngoài vai trò là trung tâm sản xuất chính của Nokia trong khu vực, cơ sở tại Bắc Ninh cũng sẽ phục vụ cho việc đào tạo và phát triển nhân viên, làm chuẩn mực cho sự phát triển bền vững và bổn phận công dân của doanh nghiệp.

Khi đi vào hoạt động, phần lớn sản phẩm của nhà máy Nokia Bắc Ninh sẽ được xuất khẩu, với tỷ trọng tăng dần (dự kiến, tăng từ mức 80% của năm đầu tiên đi vào hoạt động lên 92% trong năm kế tiếp và lên tới 95% một năm sau đó, khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định).

Đây thực sự là tin vui cho nền kinh tế Việt Nam bởi việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại, chính trị ổn định, nguồn nhân lực trẻ, tay nghề khéo léo... đã giúp Việt Nam thu hút được nhiều hãng công nghệ cao từ các nước khác đầu tư vào Việt Nam thay vì từ Trung Quốc.

Đước biết, đây là một động thái trong quá trình tái cấu trúc đơn vị Nokia sau khi công ty này về tay Microsoft vào cuối tháng Tư vừa qua, bao gồm cả Nokia Việt Nam - thành lập năm 2011 tại Bắc Ninh. Khi Samsung và Nokia đi vào hoạt động dự báo kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.