Sau tăng nóng, sóng thị trường sẽ tiếp tục sôi động trở lại?
Trong những phiên giao dịch vừa qua, thị trường đã tăng khá nóng, và thông thường sẽ xuất hiện các phiên điều chỉnh. Tuy nhiên, tâm lý tích cực của nhà đầu tư, cùng với dòng tiền vẫn tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, dự kiến thị trường chứng khoán vẫn sẽ tiếp tục sôi động.
Theo các chuyên gia, Vn-Index được kỳ vọng sẽ tiến đến thử thách vùng đỉnh 1130 điểm trong ngắn hạn, qua đó mở ra cơ hội quay lại thử thách vùng đỉnh lịch sử 1180-1190 điểm của chỉ số trong trung hạn.
Trong phiên giao dịch sáng đầu tuần, Vn-Index bứt phá mạnh, lên vùng 1.130 điểm, mặc dù gặp phải lực bán diễn ra mạnh. Tuy nhiên, lực bán này diễn ra chủ yếu ở các mã vừa và nhỏ, trong khi nhóm cổ phiếu lớn hút mạnh dòng tiền.
Tâm lý hưng phấn được duy trì
Cuối phiên sáng, thị trường vẫn giao dịch tích cực, sắc xanh vẫn bao trùm lên đa phần các cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường.
Nhưng cuối phiên, đà tăng của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị chặn đứng, nhất là trong nhóm VN30, khiến Vn-Index bị thu hẹp đà tăng. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm giá như: MBB, EIB, HSG, VNM… HSG giảm sâu gần 3,7% xuống 24.900 đồng/ cổ phiếu; EIB cũng giảm mạnh 2,85% xuống 15.350 đồng/ cổ phiếu – đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của cổ phiếu này.
Tuy nhiên, sắc xanh của Vn-Index vẫn được duy trì khá tốt, nhờ lực đẩy mạnh đến từ các cổ phiếu trụ cột như PLX, VRE, VIC, BID, BVH…Bên cạnh đó, thanh khoản trong phiên 26/2 khá tốt, đạt trên 8.800 tỷ đồng, hỗ trợ Vn-Index tăng gần 12 điểm, đóng cửa tại mức 1.114,53 điểm – cao nhất từ trước Tết Nguyên đán.
Bước vào phiên giao dịch ngày 27/2, thị trường chứng khoán đón nhận nhiều tin tốt từ thị trường thế giới. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 399,28 điểm lên 25.709,27 điểm nhờ đóng góp tích cực của cổ phiếu Boeing và 3M.
Chỉ số S&P 500 tăng 1,18% lên 2.779,6 điểm sau đà hứng khởi từ các cổ phiếu ngành viễn thông, công nghệ và tài chính. Chỉ số tổng hợp Nasdaq (Nasdaq Composite Index) tăng 1,15% lên 7.421,46 điểm nhờ vào việc cổ phiếu Apple tăng gần 2% và Intel tăng 2,8%. Chỉ số biến động Cboe (VIX) đo lường tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường giảm xuống 15,97 điểm tại mức thấp nhất kể từ ngày 2/2.
Cùng với đó, hầu hết các chỉ số thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á cũng đều tăng điểm. Nổi bật, chỉ số DAX của Đức tăng 0,35% và Nikkei 225 của Nhật tăng 1,19%. Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam với hai chỉ số chính là VN-Index và HNX-Index đều tăng điểm ngay từ đầu phiên giao dịch.
Cổ phiếu lớn “giữ lửa”
Mặc dù thị trường chứng khoán đã gặp phải áp lực chốt lời, nhưng diễn biến thị trường vẫn đang cho thấy sự ổn định về dòng tiền chảy vào nhóm các cổ phiếu lớn.
Tâm điểm của thị trường trong phiên giao dịch ngày 27/2 là nhóm cổ phiếu ngân hàng, các cổ phiếu như CTG, VPB, VCB, ACB… đều đồng loạt tăng mạnh. Cổ phiếu VPB tăng 1,73% lên 58.900 đồng/cổ phiếu; CTG tăng 4,56% lên 32.100 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 18 triệu đơn vị; VCB tăng 1,8% lên 73.200 đồng/cổ phiếu; ACB tăng 2,4% lên 46.400 đồng/ cổ phiếu, khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu vốn hóa lớn như KDC, MWG, PVD, VJC… đều tăng giá rất mạnh và giúp củng cố đà tăng của hai chỉ số.
Trong đó, KDC tăng 4,1% lên 43.000 đồng/ cổ phiếu; PVD tăng 3,8% lên 22.000 đồng/ cổ phiếu; VJC tiếp tục tăng thêm 3% lên 201.000 đồng/ cổ phiếu, với hơn 1,1 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng tốt, thậm chí VND tăng lên mức giá trần 26.000 đồng, với 3,6 triệu đơn vị được khớp trong phiên giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 100:10, và quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, tỷ lệ 3:1, giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, một số mã tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn quay đầu giảm điểm do gặp áp lực chốt lời, tuy nhiên mức giảm không đáng kể, thanh khoản vẫn duy trì tại mức tốt như: VIC giảm 1,58% xuống còn 93.500 đồng/ cổ phiếu và khớp lệnh 2,3 triệu đơn vị; VRE giảm không đáng kể 0,2% xuống 54.900 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh đạt gần 3,1 triệu đơn vị; PLX chỉ giảm 0,7% xuống còn 87.900 đồng/cổ phiếu; SAB giảm 0,5% xuống 214.500 đồng/cổ phiếu… Chỉ có VGC giảm sâu 3,75%, xuống còn 23.200 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định, trong tuần giao dịch này, nhóm cổ phiếu Bluechip có thể điều chỉnh nhẹ, sau khi đã tăng mạnh ở tuần trước. Nhưng xu hướng dòng tiền sẽ quay lại bắt đáy rất nhanh và giao dịch tại nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục sôi động.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo các nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn nên tiếp tục hiện thực hóa lợi nhuận với những cổ phiếu đạt mức sinh lời kỳ vọng và chờ mua lại khi thị trường hoàn thành nhịp hiệu chỉnh.