Thị trường chứng khoán Việt Nam: Bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển
Phát biểu tại Lễ đánh cồng khai trương giao dịch năm mới Mậu Tuất 2018 sáng ngày 23/2/2018 (tức mùng 8 Tết Mậu Tuất) do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được coi là bệ phóng cho sự thành công của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân.
Khẳng định vai trò quan trọng
Đúng 9h00 ngày 23/2/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu Xuân Mậu Tuất tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bộ trưởng cho rằng, thị trường chứng khoán năm 2017 đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp tích cực cho sự thành công của trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước; Công tác tái cấu trúc thị trường đã được triển khai quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực; Thị trường trái phiếu đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho ngân sách và tái cơ cấu nợ công.
Năm 2017 đã đánh dấu kết quả quan trọng với sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh; Giá trị vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu đạt trên 70% GDP và đạt chỉ tiêu đề ra của năm 2020; Chỉ số VN-Index đạt trên 1.000 điểm, tăng 48% so với năm 2016; Thanh khoản thị trường có sự tăng trưởng đáng kể, bình quân đạt gần 5.000 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với 2016…
“Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được coi là bệ phóng cho sự thành công của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, thực hiện tốt vai trò kiến tạo, phù hợp với chính sách của Đảng và Chính phủ.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tiếp tục phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững
Bước vào một năm giao dịch mới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan tiếp tục thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, trong đó tập trung vào 05 nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Chứng khoán để đảm bảo đồng bộ với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nhằm tạo môi trường tốt nhất, minh bạch nhất cho doanh nghiệp và thị trường trong việc huy động, sử dụng, luân chuyển vốn hiệu quả trong nền kinh tế.
Thứ hai, nâng cao chất lượng và sự bền vững của thị trường thông qua việc tăng cường tính công khai minh bạch, cải thiện chất lượng về quản trị doanh nghiệp theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế; Tăng cường quản trị rủi ro và tiêu chuẩn an toàn tài chính, tiếp tục công tác tái cấu trúc ở cấp độ cao hơn các trụ cột của thị trường chứng khoán, thị trường tài chính.
Thứ ba, tăng cường thu hút các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước phục vụ cho đầu tư phát triển, hỗ trợ cho kênh dẫn vốn ngân hàng; Đóng góp tích cực cho công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước…
Thứ tư, triển khai các sản phẩm mới, các thị trường mới theo thông lệ quốc tế, xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường xử lý nợ xấu ngân hàng. Đồng thời, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo an toàn, thông suốt trong giao dịch, thanh toán.
Thứ năm, tăng cường năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành thị trường, kịp thời ứng phó và xử lý các vấn đề phát sinh, các biến động bất lợi về kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính; Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm; Tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý thị trường chứng khoán với cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng; Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền để ổn định tâm lý đầu tư, nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng đầu tư về thị trường chứng khoán.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tin tưởng, thị trường chứng khoán sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra và tiếp tục đóng góp quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế nước nhà. “Bộ Tài chính sẽ luôn sát cánh cùng các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, cùng thị trường chứng khoán theo đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo.” – Bộ trưởng khẳng định.