Scotland: Sự lựa chọn vĩ đại hay tầm thường?

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Theo kết quả khảo sát của Viện ICM công bố hôm 17/9, 14% người được hỏi chưa quyết định sẽ bỏ phiếu "có" hay "không". Còn tờ The Scotsman cho biết, số người đồng ý độc lập chiếm 41%, còn lại số người phản đối chiếm 45%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vị trí chiến lược của Scotland trong UK

Scotland vốn là một nước độc lập cho đến ngày 1/5/1707 khi đạo luật thống nhất ra đời tạo nên một liên hiệp chính trị với Vương quốc Anh để hình thành Vương quốc Anh (UK). Hiện nay, Scotland nằm trong UK gồm: nước Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland.

Scotland giữ một vai trò quan trọng khi 97% trữ lượng dầu lửa của Anh và 58% trữ lượng khí đốt tập trung trên lãnh thổ Scotland, ở biển Bắc. Đồng thời, hạm đội hải quân Anh đang tập trung tại căn cứ hải quân Faslane, Scotland, “không những quan trọng về mặt địa chiến lược mà các tàu ngầm cũng có điều kiện lý tưởng để hoạt động”, Tổng tham mưu trưởng của Vương quốc Anh Georges Zambellas cho biết.

Vì không phải là một quốc gia độc lập nên Scotland không được gia nhập trực tiếp Liên hợp quốc (UN), Liên minh châu Âu (EU) hay bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác. Người Scotland cho rằng, họ đang phải chia sẻ gánh nặng kinh tế với Anh. Trên một trang kinh doanh tại Scotland, chiếc đồng hồ nợ công của UK luôn chạy kèm với dòng chữ “Mỗi giây người Scotland phải trả 127 bảng cho khoản nợ công nhưng không được công bố”.

Scotland được gì khi độc lập

Riêng với Scotland, việc độc lập có thành công như mong đợi? Tách khỏi UK, Scotland sẽ không dính líu đến bất kỳ định chế quốc tế nào và sẽ làm ứng viên nếu muốn gia nhập vào UN, EU hay NATO. Để vào được EU, Scotland phải cần đến sự đồng thuận của 28 quốc gia thành viên, kể cả Anh và Tây Ban Nha vốn không thích điều này vì phong trào đòi độc lập cũng đang dâng cao tại Catalonia. Sau đó, nước này không thể tiếp tục sử dụng đồng bảng Anh (GBP) vì mọi thành viên EU bắt buộc sử dụng đồng euro.

Trên bình diện kinh tế, Scotland độc lập có thể khiến các nhà đầu tư quốc tế bỏ đi, đặc biệt là nếu nước này áp đặt một chế độ thuế cao hơn của nước Anh do mất đi nguồn tài chính từ Anh gồm 27 tỷ bảng Anh (20% GDP/năm). Đài BBC cho rằng, thu nhập của người Scotland có thể tăng lên 1.400 bảng Anh/năm nhưng để duy trì các vấn đề an sinh xã hội, các loại thuế sẽ phải tăng 3%, nếu không sẽ phải cắt giảm 11% chi tiêu cho dịch vụ công. Và tiền để thay đổi thể chế tốn khoảng 1.5 – 2.7 tỷ bảng Anh.

Vấn đề độc lập của Scotland thoạt nhìn có vẻ đơn giản sẽ có những hệ quả nghiêm trọng đối với Scotland và Anh, thậm chí cả châu Âu, ở mức độ chưa thể xác định được. Nhưng những khó khăn trở ngại xem ra có tính ngắn hạn đối với Scotland mà dài hạn đối với Vương quốc Anh.

Kéo theo hàng loạt bất ổn

Scotland độc lập sẽ làm suy yếu sức mạnh của một liên minh tồn tại hơn 300 năm đã từng thống trị 1/3 thế giới. Trong nội bộ UK, sự độc lập của Scotland sẽ “mở một lỗ hổng trong Vương quốc” và khuyến khích tư tưởng của những người thích độc lập tại các nước khác. Tại Bắc Ireland, một số người cũng đòi hỏi trưng cầu dân ý về độc lập.

Sức mạnh của lực lượng vũ trang Anh, đặc biệt là lực lượng hải quân sẽ giảm sút khi không có trung đoàn Scotland, cũng như chi phí di dời các tàu ngầm hạt nhân từ căn cứ Scotland đến đâu chưa rõ. Tổng tham mưu trưởng Anh Georges Zambellas còn nói đến “một khoảng trống trong hệ thống quân sự Anh”. Sức mạnh kinh tế của Anh cũng sẽ suy yếu khi lợi nhuận từ dầu mỏ biển Bắc sẽ dấy lên một cuộc tranh chấp nghiêm trọng trong UK.

Theo nhiều cách, Anh Quốc đang có nhiều dự định ngay lúc này. Trong khi đó, nền kinh tế chung của khu vực đồng euro đang trì trệ, Anh đang phát triển mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng. Chính phủ đã sử dụng khủng hoảng để thu hẹp khu vực nhà nước. Các nước châu Âu lục địa đang bắt đầu bàn luận về quan điểm từ lâu của Anh rằng EU nên nhỏ hơn, ít quan liêu hơn và coi nhẹ hơn về thương mại. Thậm chí còn có cuộc nói chuyện về việc phát triển sâu hơn thị trường duy nhất về dịch vụ, mang lại một lợi ích lớn cho Anh.

London tiếp tục thu hút tài năng, vốn và kinh doanh. Tính trên mỗi đầu người, Anh Quốc thu hút gần như gấp đôi đầu tư trực tiếp từ nước ngoài so với mức trung bình của các nước giàu. Đó là bởi lịch sử về sự mở cửa của đất nước với bên ngoài – một truyền thống mà gần như vẫn tồn tại qua khủng hoảng kinh tế. Mặc dù Anh Quốc có xu hướng chống vấn đề nhập cư, nhưng họ vượt trội ở mặt biến những người mới đến tham gia vào sản xuất, hòa nhập với cộng đồng. Anh là một trong hai nước EU duy nhất có rất ít người nhập cư bỏ học so với người bản địa.

Nhưng tất cả những chuyện này có thể sụp đổ nếu Scotland thông qua cuộc bỏ phiếu đòi độc lập. Chỉ bằng một việc như thế, cả vương quốc sẽ bé đi một phần ba. Tầm ảnh hưởng với thế giới cũng sẽ sụt giảm đáng kể. Một đất nước mà không thể giữ nổi bản thân mình thì khó có thể ở vào vị thế để thuyết giảng cho các nước khác về làm thế nào để quản lý đất nước của họ.

Lời nói của Anh tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, G7 và G20 sẽ không còn sức nặng trước một khối Liên hiệp Anh chia rẽ và suy yếu cả về sức mạnh kinh tế và quân sự. Cũng trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) ở xứ Wales vừa qua, mặc dù chưa có tuyên bố chính thức về khả năng Scotland tách ra độc lập, song một loạt nhà lãnh đạo NATO đều bày tỏ quan ngại về việc Scotland tách khỏi UK.

Nhà đầu tư rút 27 tỷ USD ra khỏi nước Anh

Trong báo cáo vừa công bố cuối tuần qua, Công ty tư vấn CrossBorder Capital cho hay các nhà đầu tư đã rút 27 tỷ USD đầu tư tài chính khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland trong tháng 8 vừa qua. Đây là lượng vốn chảy ra lớn nhất trong một tháng kể từ sau cuộc khủng hoảng ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) hồi năm 2008, do giới đầu tư ngày càng lo ngại về những tác động tiêu cực lên tình hình kinh tế và tài chính trong trường hợp Scotland tách khỏi Vương quốc Anh.

Điều này hoàn toàn trái ngược với tháng 8/2013, thời điểm dòng vốn chảy vào Vương quốc Anh đạt con số 8,9 tỷ USD. Việc các dòng vốn bằng đồng bảng Anh chảy khỏi nước này đã trở thành một vấn đề kể từ cuối tháng 6, nhưng dòng vốn chảy ra này chỉ thực sự tăng mạnh trong tháng 8 và lên mức cao khi giới đầu tư ngày càng tin vào khả năng độc lập của Scotland.

Thống kê của CrossBorder Capital data cho hay, một lượng tài sản tài chính khoảng 26 tỷ USD đã chảy khỏi Vương quốc Anh trong tháng 7.

Theo CrossBorder Capital có trụ sở tại London, từ đầu năm đến nay, một lượng vốn ròng trị giá nhiều tỷ USD đã chảy khỏi Vương quốc Anh, trái ngược với năm 2013 khi nước này ghi nhận lượng vốn ròng chảy vào trị giá 63 tỷ USD. Nhìn chung, dòng vốn chảy khỏi Vương quốc Anh hiện đã cao gấp hai lần dòng vốn chảy ra từ Đức và Australia. Trước đó, cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine cũng đã dẫn tới sự biến động mạnh trên khắp các thị trường tài chính toàn cầu trong mùa Hè này.

Mối quan ngại về tác động của sự chia rẽ tại Vương quốc Anh cũng đè nặng lên đồng bảng Anh, khiến cho tỷ giá đồng tiền này biến động mạnh nhất kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2010. Nhu cầu vàng của Scotland tháng 9 đã tăng 59% so với mức trung bình 3 tháng và tăng 91% cùng kỳ năm ngoái, Mark O’Byrne - Giám đốc GoldCore ở Dublin, cho biết.

Sức mua vàng tại Anh và xứ Wales cũng tăng. Giá vàng giao ngay trên sàn London đã tăng 3,1% lên 1.238,73 USD/ounce trong năm nay, theo số liệu của Bloomberg. Tính theo đồng bảng Anh, giá vàng đã tăng 5,2% lên 765,55 bảng/ounce.

Mark O’Byrne, Giám đốc GoldCore ở Dublin, cho biết, những người đang giữ đồng bảng đang gặp rủi ro đồng tiền này yếu đi. Việc đa dạng hóa các khoản tiết kiệm, bên cạnh đồng bảng, vào vàng là hành động phòng vệ trước sự biến động của tiền tệ. Vàng sẽ là phương tiện dự trữ trong một môi trường tiền tệ đang giảm giá.