Sẽ có tiêu chí đánh giá cơ quan hành chính Nhà nước
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Lượng, Công ty CP Tư vấn và Đại lý thuế Hà Tĩnh đề nghị cơ quan chức năng xem xét ban hành Bộ quy tắc đánh giá chất lượng công vụ của cơ quan hành chính, đơn vị hành chính để có cơ sở làm tốt công tác tổ chức và cán bộ.
Trong thời gian vừa qua, các nghị quyết của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyến hóa" trong nội bộ đã được triển khai thực hiện quyết liệt, thể hiện quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị đối với công tác cán bộ nói riêng, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng nói chung, góp phần khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của người có chức, có quyền; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước, thời gian qua, Chính phủ đã đề ra các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính mang tính toàn diện, đồng bộ và chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Theo đó, cải cách hành chính đã được triển khai đồng bộ trên 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hỉện đại hóa hành chính.
Thông qua đó, nền hành chính đã có chuyển biến tích cực theo hướng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân và xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số kết quả nổi bật trên các nội dung tổ chức bộ máy và công chức, công vụ có thể kể đến như sau:
Khắc phục chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ
Đã giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, hình thành bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, khắc phục sự chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương bước đầu đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ cấu bên trong đã có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý và đơn vị sự nghiệp. Hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước của hệ thống hành chính được nâng cao, tính thống nhất, công khai, minh bạch của nền hành chính được cải thiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 14/2016/QH14 ngày 27/7/2016 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017, Quốc hội đã thực hiện công tác giám sát tối cao, với chủ đề là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Điều này cho thấy bộ máy hành chính và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đang là mối quan tâm đặc biệt của Quốc hội, cử tri cả nước trong công cuộc cải cách hành chính hiện nay.
Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đối mới; đã từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tê thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Để đánh giá chất lượng công vụ, trước hết phải có công cụ đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến địa phương. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm trong thời gian vừa qua đã được thực hiện theo Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, trong đó quy định về nguyên tắc, căn cứ, nội dung, trình tự, thủ tục, tiêu chí, thẩm quyền đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đối mới phương thức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ, gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị trong công tác đánh giá hàng năm.
Ngoài ra, nhằm hoàn thiện các quy định về đánh giá công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Quyết định số 90-QĐ/TW ngày 4/8/2017 quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó, bao gồm các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn đối với từng chức danh cụ thể, từ các chức danh cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trưởng các ban, bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Trung ương, đến bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quyết định số 90-QĐ/TW nêu rõ, cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết và gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi; chỉ đạo quyết liệt trong việc chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tố chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công khai minh bạch, khách quan dân chủ trong công tác cán bộ.
Sẽ xây dựng tiêu chí đánh giá hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước
Triển khai thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP, Bộ Nội vụ đã ban hành và tổ chức thực hiện một số công cụ mới để theo dõi, đánh giá cải cách hành chính của các bộ, ngành và địa phương; tăng cường sự đánh giá của người dân, tổ chức đối với kết quả cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Từ năm 2012 đến nay, việc công bố Chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 3/12/2012 và Quyết định số 4361/QĐ-BNV ngày 28/12/2016 của Bộ Nội vụ đã được tiến hành hàng năm, trở thành một công cụ tốt trong theo dõi, đánh giá cải cách hành chính.
Các tỉnh, thành phố cũng đã ban hành Bộ Chỉ số cải cách hành chính để theo dõi, đánh giá kết quả triển khai cải cách hành chính của các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Trong thời gian tới, để xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, phân định rành mạch về chức năng, nhiệm vụ, về kết quả đạt được của tổ chức; để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ có động lực phấn đấu, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao để góp phần xây dựng và phát triển tổ chức; cần thiết tiếp tục hoàn thiện các công cụ đánh giá, trong đó, đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước đang trở thành một vấn đề có ý nghĩa quan trọng.
Kết quả của quá trình đánh giá không chỉ là cơ sở để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng mà còn giúp đánh giá hiệu quả của quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước. Đây cũng là nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ được giao chủ trì xây dựng Đề án Đánh giá tổ chức hành chính Nhà nước nêu tại Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, việc nghiên cứu, xây dựng phương pháp đánh giá tổ chức hành chính Nhà nước với hệ thống tiêu chí được đưa ra sẽ góp phần đánh giá chất lượng hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung, công tác cán bộ và trình độ, năng lực, đạo đức người đứng đầu cơ quan hành chính nói riêng theo kiến nghị được nêu.