Sẽ công khai ngay khi có kết quả thanh tra về giá sữa
(Tài chính) “Các đoàn thanh tra doanh nghiệp sữa vẫn đang triển khai. Sau khi có kết quả cụ thể, Bộ Tài chính sẽ công khai với các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính được tổ chức chiều 4/4.
Thu, chi ngân sách nhà nước đạt khá...
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, qua tình hình thực hiện quý I cho thấy, khả năng thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước đạt khá, tiếp tục góp phần khẳng định xu hướng phục hồi của nền kinh tế ngày càng trở lên rõ nét và ổn định hơn bắt đầu từ cuối năm 2013.
Cụ thể, về thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 3 ước đạt 57.950 tỷ đồng; luỹ kế thu quý I đạt 195.070 tỷ đồng, bằng 24,9% dự toán, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Về chi ngân sách nhà nước, quý I, các nhiệm vụ chi ngân sách được đảm bảo theo đúng dự toán, đáp ứng đủ theo tiến độ triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội, kinh phí phục vụ sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai. Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 3 ước 82.190 tỷ đồng; luỹ kế chi quý I ước đạt 232.160 tỷ đồng, bằng 23,1% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Bộ Tài chính cho biết thêm, đến hết quý I/2014, đã huy động được 83.014 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bằng 35,8% kế hoạch cả năm; riêng trong tháng 3 đã huy động được 31.125 tỷ đồng, đạt 13,4% kế hoạch cả năm.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu và xử lý nợ đọng; đồng thời chủ động điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, phù hợp với nguồn thu.
Cũng tại buổi họp báo chiều 4/4, Bộ Tài chính cũng nêu rõ tình hình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm quý I/2014, trong đó có tình hình thực hiện các đề án trình Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong quý; Tình hình thực hiện các đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ và các công việc thường xuyên theo chương trình công tác quý I và tháng 3/2014; Thực hiện nhiệm vụ đối ngoại và hợp tác tài chính quốc tế...
Sau kết quả thanh tra, sẽ cân nhắc áp giá trần với sữa
Bộ Tài chính cho biết, trong quý I, Bộ đã thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương.
Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, về quản lý giá sữa, Bộ Tài chính đã yêu các doanh nghiệp niêm yết giá, kê khai giá, điều chỉnh giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thanh tra giá sữa tại 5 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa.
“Các đoàn thanh tra vẫn đang triển khai. Sau khi có kết quả cụ thể, Bộ Tài chính sẽ công khai với các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Chia sẻ về việc áp giá trần với sữa, ông Tuấn cho rằng, việc quản lý đang được thực hiện theo Luật Giá và Nghị định số 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Giá. Hiện nay, Luật Giá có 7 biện pháp để bình ổn và áp giá trần cho mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là biện pháp có thể được tính đến. Tuy nhiên, việc có áp dụng biện pháp này hay không còn phải chờ kết quả của các đoàn thanh tra.
Bên cạnh đó, về quản lý giá xăng dầu, công tác điều hành kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương triển khai phù hợp tình hình thị trường thế giới và trong nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Theo đó, ngày 6/3/2014, Liên Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa (tạm tính 100 đồng/lít); đồng thời cho phép các doanh nghiệp sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) để bù đắp chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành (mặt hàng xăng sử dụng 300 đồng/lít, dầu điezen 170 đồng/lít, dầu hỏa 110 đồng/lít).
Ngày 19/3/2014, cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối khôi phục một phần lợi nhuận định mức trong giá cơ sở đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa (từ 100 đồng/lít lên 150 đồng/lít); ngừng sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng dầu điezen, dầu hỏa; cho phép tăng giá không cao hơn mức tối đa 189 đồng/lít đối với mặt hàng xăng, 71 đồng/lít đối với mặt hàng dầu điezen; giảm không thấp hơn mức tối thiểu 113 đồng/kg đối với mặt hàng dầu madut.
Ngày 31/3/2014, Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá bán các mặt hàng dầu điêzen, dầu madút và dầu hỏa trong nước phù hợp với các quy định hiện hành nhưng giá bán sau khi điều chỉnh giảm không cao hơn mức giá cơ sở theo công bố (dầu điêzen: 22.601 đ/lít, dầu madút 18.469 đ/kg, dầu hỏa: 22.485 đ/lít); đồng thời giảm sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng từ 300 đồng/lít xuống còn 200 đồng/lít và giữ ổn định giá bán lẻ như hiện hành.
Riêng mặt hàng xăng và dầu hỏa, sau một thời gian dài chưa tính hoặc chưa tính đủ lợi nhuận, cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối khôi phục lợi nhuận trong giá cơ sở mặt hàng dầu hỏa theo đúng quy định (150 đồng/lít lên 300 đồng/lít).
Nếu tham chiếu theo giá hiện hành của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, thì mức giảm đối với dầu điêzen tối thiểu khoảng 239 đồng/lít; dầu madút tối thiểu khoảng 121 đồng/kg; dầu hỏa tối thiểu khoảng 145 đồng/lít.