Sẽ siết chặt khâu hoàn thuế
(Tài chính) Tổng cục Thuế đề xuất bổ sung quy định về kiểm tra hải quan 100% hàng hóa xuất khẩu (XK) qua biên giới đất liền đối với doanh nghiệp (DN) có rủi ro cao.
Thời gian qua, một số DN có hành vi gian lận thương mại, khấu trừ, khai tăng, khai khống, khai sai đối với hàng hóa XK để thực hiện hành vi sai về hoàn thuế, khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa XK tiểu ngạch qua biên giới Campuchia và Lào.
Theo Tổng cục Thuế, số tiền thuế đã hoàn cho hàng hóa XK tiểu ngạch qua biên giới Campuchia trong 2 năm qua tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, năm 2012 tăng 194,6% so với 2011, năm 2013 tăng lên 190%. Trong khi đó, số thuế nộp ngân sách Nhà nước hàng năm của các DN XK tiểu ngạch sang Campuchia chỉ bằng khoảng 1 - 2% số tiền thuế đã hoàn.
“Cò quay” và xuất khẩu giả
Theo ông Nguyễn Trung Tính, cán bộ điều tra Công an tỉnh Trà Vinh, một số thủ đoạn gian lận hoàn thuế VAT mà các DN thường sử dụng là quay vòng hàng XK. Theo đó, các DN Việt Nam có quota XK đã quan hệ, móc nối với các DN tư nhân, công ty TNHH ở nước ngoài, ký hợp đồng mua bán hàng hóa, sau đó móc nối với cán bộ hải quan làm thủ tục XK các mặt hàng này.
Sau khi hàng XK của Việt Nam đã làm thủ tục hải quan hợp pháp ở cửa khẩu và chính thức đưa qua biên giới thì chính số hàng hóa đó được chuyển cho một công ty “ma” hoặc công ty thật nhưng đã bán con dấu, hưởng hoa hồng. Ngay lập tức, công ty XK của Việt Nam sẽ cho lực lượng cửu vạn của mình chuyển số hàng trên qua đường mòn trở lại Việt Nam và lô hàng này lại tiếp tục làm thủ tục XK hợp pháp qua biên giới và lại quay vòng nhập lậu lại Việt Nam. Ông Tính cho rằng, với thủ đoạn này, có những lô hàng quay vòng tới 4 lần trong tháng và như vậy giá trị lô hàng XK tăng gấp 4 lần, hoàn VAT gấp 4 lần, Nhà nước mất thêm 3 lần hoàn thuế.
Một thủ đoạn khác cũng thường được các DN thực hiện để gian lận tiền thuế là dùng hàng tạm nhập tái xuất để xin hoàn thuế VAT. Theo đó, một số DN xin thủ tục tạm nhập khẩu (NK) hàng có thuế suất khá cao (20-30%) rồi lập thủ tục tái xuất để xin hoàn thuế nhập khẩu và thuế VAT. Tuy nhiên, trong thực tế DN mang toàn bộ số hàng này tiêu thụ trong nước và làm hồ sơ, chứng từ XK khống số hàng này.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH T.H (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, một phần là hiện nay việc thành lập DN ở Việt Nam khá đơn giản và dễ dàng. Muốn thành lập DN chỉ cần chứng minh thư, thuê trụ sở, thuê giám đốc và đơn vị tư vấn thành lập là sau 20 ngày có thể đi vào hoạt động, tự in hóa đơn để tiến hành mua bán.
Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, muốn bán quay vòng hàng hóa hoặc nhập nhèm trong việc tạm nhập tái xuất như trên, các DN cần phải móc nối với cán bộ hải quan và cán bộ thuế. Vì theo công văn số 12485/BTC-TCT, nhiều hàng hóa XK qua biên giới đất liền không thuộc hàng miễn kiểm, buộc phải kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế 100% hàng hóa.
“Nếu lực lượng hải quan siết chặt các hoạt động này thì DN khó mà lọt được. Nhưng nhân sự hải quan ở các cửa khẩu thường ít mà phụ trách địa bàn rộng, không làm xuể. Hơn nữa, nhiều cửa khẩu không có bãi bốc dỡ hàng tập trung, muốn kiểm tra hàng hóa thì phải tổ chức huy động thuê nguồn lực để bốc, xếp dỡ hàng hóa, chi phí phương tiện tốn kém”, ông Bình nói.
Buộc mua hóa đơn nếu vi phạm
Nhằm hạn chế tình trạng gian lận hoàn thuế VAT, ông Nguyễn Đẩu, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho rằng, hiện theo Nghị định 04/2014/NĐ-CP, các DN đang sử dụng hóa đơn tự in mà có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế, cũng như các DN bị đánh giá có độ rủi ro về thuế thì không được sử dụng hóa đơn tự in mà phải mua hóa đơn của cơ quan thuế.
Để đánh giá mức độ uy tín của DN, Tổng cục Thuế đã tiến hành phân DN làm 3 loại để ứng xử. Đối với những DN XK có uy tín và trong 24 tháng không có sai phạm thì hoàn trước trong vòng 6 ngày; với DN có rủi ro, qua xác minh những hóa đơn có vi phạm sẽ không hoàn, ngược lại sẽ hoàn trả lại trong đúng phạm vi 40 ngày; đối với những DN đang chuyển sang cơ quan điều tra, hóa đơn chứng từ sai phạm sẽ không hoàn, còn hóa đơn chứng từ không vi phạm thì vẫn sẽ hoàn trả.
Cũng theo ông Đẩu, trong thời gian này, Tổng cục Thuế cũng đang kiến nghị một số chính sách với Bộ Tài chính như nghiên cứu sửa đổi quy định tại Thông tư 06/2012/TT-BTC theo hướng bỏ quy định hoàn thuế hàng hóa XK tiểu ngạch qua biên giới thanh toán bằng cách nộp tiền mặt vào tài khoản vãng lai của tổ chức, cá nhân nước ngoài mở tại ngân hàng Việt Nam, bổ sung quy định về hợp đồng mua hàng vào hồ sơ hoàn thuế đối với DN XK hàng hóa qua biên giới đất liền, bổ sung quy định về kiểm tra hải quan 100% hàng hóa XK qua biên giới đất liền đối với DN có rủi ro cao.
Bên cạnh đó, ngành thuế cũng sẽ kiến nghị với NHNN sửa đổi Quyết định số 17/2004/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Theo đó, chỉ cho phép thanh toán tiền mặt VND đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của cư dân biên giới. Hàng hóa theo hợp đồng thương mại phải thanh toán bằng đồng USD, chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng hoặc thanh toán bằng hình thức L/C. Quy định cụ thể khách xuất, nhập cảnh chỉ được mang VND, USD, tiền của nước có chung đường biên giới ở mức độ đủ nhu cầu cho mục đích chuyến đi, không được dùng để nộp vào tài khoản vãng lai nhằm mục đích thanh toán tiền mua hàng từ DN của Việt Nam.