Sẽ trình danh mục nghề cấm đầu tư trong tháng 9
(Tài chính) Ngày 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 30. Nội dung thảo luận đầu tiên trong ngày họp là cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư.
Theo Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội, hiện nay dự án Luật này còn 9 vấn đề lớn vẫn có ý kiến khác nhau. Vấn đề có nhiều ý kiến quan tâm nhất là về lĩnh vực cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện.
Vẫn chưa rõ ngành nghề cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện
Nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể các lĩnh vực cấm đầu tư, chi tiết danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện vào dự án Luật. Đến nay, dự án Luật khi trình ra UBTVQH vẫn cho chưa có danh mục cụ thể các ngành nghề cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện.
UBKT cho biết, hiện nay, danh mục cấm đầu tư, cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện được quy định tại nhiều luật chuyên ngành. UBKT và cơ quan soạn thảo đã yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát các quy định của pháp luật về ngành nghề cấm đầu tư và đầu tư kinh doanh có điều kiện, xem xét loại bỏ các quy định bất hợp lý. Sau khi hoàn thiện, danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh sẽ được quy định cụ thể tại Điều 5 của dự thảo Luật. Đồng thời, dự án Luật cũng quy định tiêu chí, nguyên tắc để xác định danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và giao Chính phủ rà soát, tập hợp, công bố Danh mục này sau khi báo cáo UBTVQH xem xét, cho ý kiến.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến Đại biểu đề nghị sớm làm rõ danh mục ngành nghề này thì để có thể lấy ý kiến UBTVQH. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị đây là vấn đề phức tạp, không thể làm rõ ngay nên bên cạnh những ngành cấm cụ thể, cần có quy định mở để Chính phủ có thể trình Quốc hội cho ý kiến sửa đổi ngay kỳ họp gần nhất, để phù hợp với môi trường kinh doanh năng động hiện nay.
Khuyến khích đầu tư: Thông thoáng nhưng vẫn phải quản lý chặt
Về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về lĩnh vực ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư là quá chung chung, chưa hợp lý, ưu đãi đầu tư được quy định trong nhiều văn bản luật khác nhau gây khó khăn cho nhà đầu tư. Tiếp thu ý kiến này, UBKT đã chỉnh lý theo hướng quy định rõ hơn nhiều điều khoản, phối hợp với Cơ quan soạn thảo tiến hành rà soát Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư để bổ sung quy định về tiêu chí xác định địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Ksor Phước lưu ý việc ưu đãi đầu tư vùng đặc biệt khó khăn cần có những giới hạn, quy định cụ thể, tránh việc ưu đãi đại trà cho cả những ngành nghề không đem lại nhiều lợi ích cho địa phương, gây ảnh hưởng đến môi trường như khai thác khoáng sản, thủy điện,...
Về đầu tư ra nước ngoài, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư ra nước ngoài vì nguồn ngoại tệ của Việt Nam còn hạn chế. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài phải cởi mở hơn, thông thoáng hơn hoặc bỏ thủ tục này. Tuy nhiên, theo UBKT, trong bối cảnh Việt Nam chưa tự do hóa các giao dịch vốn, đang rất cần vốn để đầu tư thì chưa nên khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, việc bỏ hoàn toàn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp, nhất là để quản lý, kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Một quy định nữa về việc tạo thông thoáng cho hoạt động đầu tư cũng còn nhiều ý kiến khác nhau là việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT). Ý kiến UBKT cho rằng, hiện nay pháp luật chuyên ngành đã quy định đầy đủ các điều kiện đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, do vậy việc yêu cầu nhà đầu tư trong nước phải có thêm GCNĐKĐT có thể tạo ra thủ tục kép, trùng lặp trong hoạt động quản lý nhà nước. UBKT đề nghị bỏ thủ tục cấp GCNĐKĐT đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước.
Sẽ trình danh mục cấm kinh doanh trong tháng 9
Góp ý thêm về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, Luật có nhiều điều chưa cụ thể, còn mang tính định hướng, nghị quyết chứ không phải là chế tài, vì vậy cần cụ thể hơn. Chẳng hạn như quy định cấm đùn đẩy trách nhiệm, cấm thiếu tinh thần trách nhiệm,… là rất khó xử lý. Cùng ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ví dụ: về quy định tại khoản 5, điều c về thủ tục “không được phiền hà quá mức cần thiết” là ý nghĩa gì, thế nào là phiền hà quá mức cần thiết?".
Tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, sẽ tiếp thu, rà soát lại các quy định. Đối với danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện nay UBKT và cơ quan soạn thảo vẫn phải chờ ý kiến phản hồi từ các bộ, ngành, do vậy có sự chậm trễ. Cơ quan soạn thảo và UBKT sẽ làm việc cụ thể với các bộ để rà soát cố gắng đưa ra danh mục ngành nghề cấm trong phiên họp tháng 9. Tuy nhiên, danh mục ngành nghề có điều kiện rất lớn, có tới 368 ngành nghề nên còn phải tiếp tục rà soát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan liên quan phải khẩn trương thực hiện rà soát bởi nếu không Luật sẽ khó được thông qua trong kỳ họp Quốc hội cuối năm như dự kiến.