Sẽ truy xét các sản phẩm "bổ sung vi chất" không gọi tên là sữa
(Tài chính) Cơ quan quản lý giá không chọn “giờ hiểm” để điều chỉnh giá xăng dầu, đồng thời sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Y tế tiến hành “giải mã” các sản phẩm chức năng cho trẻ em nhưng không gọi là sữa mà có tên gọi như "bổ sung vi chất".
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2014 của Bộ Tài chính được tổ chức chiều ngày 8/7.
20 giờ không phải “giờ hiểm” để điều chỉnh giá xăng
Xung quanh việc điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, ông Tuấn cho biết, trong vòng một tháng qua, giá xăng thế giới liên tục tăng cao, đang từ mức 116 USD/thùng, có thời điểm “vọt” lên tới 126 USD/thùng. Bình quân 30 ngày, từ 7/6 đến 6/7/2014 xăng RON 92 có giá 122,135 USD/thùng; dầu điêzen 0,05S: 121,967 USD/thùng; dầu hỏa: 121,729 USD/thùng, dầu madut 180 cst 3,5S: 618,267 USD/tấn.
Căn cứ theo Nghị định 84 với chu kỳ tính giá cơ sở bình quân 10 ngày và chu kỳ tính lưu thông giá trong 30 ngày, việc điều chỉnh giá vào 20 giờ tối qua (7/7) là đúng quy định. Bởi với mức giá thế giới tăng cao như vậy, doanh nghiệp (DN) xăng dầu đang lỗ tới 918 đồng/lít xăng, 294 đồng/lít dầu điêzen; 413 đồng/lít dầu hỏa và 437 đồng/kg dầu madút.
Để hạn chế tác động từ giá xăng dầu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống người dân, liên Bộ Tài chính – Công thương đã quyết định dùng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp một phần lỗ của DN. “Việc điều chỉnh giá đã được tính toán rất kỹ theo hướng kiềm chế bằng cách sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá và nếu không dùng quỹ bình ổn thì xăng dầu sẽ tăng giá nhiều hơn nữa”, ông Tuấn khẳng định.
Cụ thể, hôm qua giá xăng đáng lẽ phải tăng 918 đồng/lít nhưng do đã trích quỹ bình ổn xăng dầu 500 đồng/lít, nên giá xăng chỉ tăng 410 đồng/lít. Đặc biệt thay vì cố định mức giá cho DN như trước kia, gần đây khi điều hành, Liên Bộ thường công bố giá trần để DN tự điều chỉnh cho phù hợp mặt bằng thị trường.
Trước ý kiến của báo giới về thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu được cố định ở một khung giờ trong các lần điều hành gần đây, ông Tuấn cho biết, 20 giờ không phải “giờ hiểm”. Khung giờ này là thời điểm thích hợp nhất cho thực hiện báo cáo tồn kho của các DN, đồng thời cũng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân.
Riêng vấn đề mỗi lần điều chỉnh giá, doanh nghiệp xăng dầu thường kêu lỗ nhưng đến cuối năm lại báo lãi to, ông Tuấn khẳng định: “Khi đăng ký giá, DN không báo lỗ với chúng tôi mà chỉ báo về chênh lệch giá cơ sở với giá bán lẻ hiện hành. Còn DN có lỗ, lãi hay không thì phải chờ đến khi có báo cáo tài chính mới xác định được”.
Bên cạnh đó ông Tuấn cũng cho biết thêm, trong các lần điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ đều tính toán tác động đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, qua đó kết hợp hài hòa giữa sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều chỉnh giá để tránh gây “sốc” cho thị trường. Do vậy, CPI 6 tháng đầu năm 2014 đã giữ được ở mức tăng kỳ vọng, tăng 1,36% so với tháng 12/2013 và là mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.
Sẽ phối hợp “giải mã” sản phẩm "bổ sung vi chất"
Đánh giá về việc thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo chủ trương của Chính phủ và Quyết định của Bộ Tài chính, ông Tuấn cho biết, nhiều địa phương đã rất tích cực “vào cuộc”. Hiện giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã cơ bản thấp hơn giá trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Kết quả này cho thấy các biện pháp bình ổn giá đã đạt được hiệu quả bước đầu tích cực.
Để tăng cường hơn nữa công tác bình ổn giá sữa tại các địa phương và DN, ông Tuấn cho biết: Ngay sau khi quy định áp trần giá sữa chính thức có hiệu lực, cơ quan quản lý giá đã phối hợp với Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan triển khai 02 đoàn công tác kiểm tra, khảo sát thị trường sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Cụ thể, đoàn kiểm tra tại miền Trung (TP. Đà Nẵng, Huế) đã hoàn thành và gần đây nhất, hôm 3/7, đoàn kiểm tra tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã lên đường làm nhiệm vụ.
Mặc dù chưa có kết quả từ đoàn kiểm tra thứ hai, nhưng lãnh đạo Cục Quản lý giá cho biết, hiện các đoàn thanh tra vẫn chưa phát hiện tình trạng vi phạm giá trần mặt hàng này.
"Chúng tôi có nghe thông tin về việc một số hãng sữa thay đổi chất lượng, mẫu mã, trọng lượng sữa để “lách” trần nhưng xin khẳng định, từ khi Bộ Tài chính công bố giá trần 141 dòng sản phẩm sữa đến nay vẫn chưa ghi nhận có sự bổ sung hay thay đổi nào", ông Tuấn nói.
Trả lời cụ thể hơn về sản phẩm Enfamil A+2 – 3600 Brain Plus (900g) của Mead Johnson được cho là thay thế cho sản phẩm Enfamil A+2 (900g), ông Tuấn cho biết, hai sản phẩm này hoàn toàn khác nhau thể hiện ở chất lượng, chỉ tiêu về hàm lượng,… của mỗi sản phẩm khác nhau nên không thể khẳng định 02 sản phẩm trên là tương đương nhau.
"Mỗi sản phẩm có chỉ tiêu về hàm lượng, chất lượng… khác nhau thì chi phí giá thành của sản phẩm cũng khác nhau do chi phí nghiên cứu, chi phí kiểm nghiệm,…khác nhau”, ông Tuấn cho biết.
Hai sản phẩm Enfamil A+2 (900g) và Enfamil A+2 - 3600 Brain Plus (900g) đang cùng lưu hành trên thị trường với các chỉ tiêu chất lượng và giá cả khác nhau, theo đại diện cơ quan quản lý giá, người tiêu dùng nên căn cứ vào nhu cầu, khả năng tài chính để lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Mặc dù vậy, người đứng đầu Cục Quản lý giá cũng cho biết, thị trường hiện đã xuất hiện sản phẩm chức năng cho trẻ em nhưng không gọi là sữa mà có tên gọi như "bổ sung vi chất". Những mặt hàng này không nằm trong danh mục bình ổn giá theo quy định của Bộ Y tế, nên doanh nghiệp không phải đăng ký giá với cơ quan quản lý giá.
Vì vậy, lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Y tế để "giải mã" những mặt hàng trên. Song song với đó, cơ quan quản lý giá sẽ cùng phối hợp với cơ quan quản lý thị trường của Bộ Công thương và các lực lượng chức năng khác tăng cường kiểm tra, kiểm soát những mặt hàng sữa bình ổn giá đang bán trên thị trường, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.