Siết chặt kỷ cương, khẳng định cam kết


(Tài chính) Ngày 25/11/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020. Kế hoạch này khẳng định lập trường, cam kết chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, phấn đấu vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ khẳng định cam kết…

Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 – 2020 được ban hành nhằm xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam. Đây cũng là thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với các tổ chức quốc tế về xây dựng cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (AML/CFT) của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG). Bên cạnh đó, bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức và cá nhân cũng như góp phần chống tội phạm và tham nhũng; tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính, kích thích tăng trưởng kinh tế…

Theo đó, Kế hoạch hành động tập trung vào 8 nội dung: Xác định các rủi ro và phát triển các chính sách và hợp tác trong nước; rửa tiền và tịch thu tài sản; tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí; áp dụng các biện pháp phòng ngừa cho khu vực tài chính và phi tài chính được chỉ định; tổ chức tuyên truyền cho các đối tượng báo cáo, các đối tượng khác về công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi không có hệ thống quản lý rủi ro để xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị. Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố.

Với kế hoạch này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, định kỳ 5 năm tiến hành đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam về rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí; Xây dựng cơ chế tập trung xử lý các thông tin liên quan đến rủi ro quốc gia trong các lĩnh vực; Phân bổ nguồn lực và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro theo phương thức tiếp cận trên cơ sở rủi ro; Hướng dẫn đối tượng báo cáo theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền nhằm đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí trong lĩnh vực hoạt động của mình.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250) và tội rửa tiền (Điều 251) trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự vào năm 2015 phù hợp với các Công ước và chuẩn mực quốc tế có liên quan. Tiến hành điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền theo Điều 250, 251 của Bộ luật Hình sự…

Kế hoạch hành động cũng nêu rõ, các bộ, ngành cần xây dựng và ban hành hướng dẫn liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền, tài trợ khủng bố; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự... và các văn bản liên quan; đưa nội dung liên quan đến thanh tra về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố vào định hướng chương trình thanh tra hàng năm cho toàn ngành...

Đến siết chặt kỷ cương

Theo Nghị định 96/2014/NĐ- CP do Chính phủ ban hành ngày 17/10/2014 về quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, kể từ ngày 12/12/2014, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sẽ bị phạt nặng với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Nghị định 96/2014/NĐ-CP đã dành riêng một chương để quy định cụ thể mức phạt đối với vi phạm về phòng, chống rửa tiền. Cụ thể, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi không cập nhật thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 8 và Điều 10 Luật Phòng, chống rửa tiền. Phạt tiền từ 60 - 100 triệu đồng đối với hành vi không ban hành quy trình quản lý rủi ro các giao dịch liên quan tới công nghệ mới theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền. Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng, biện pháp đánh giá tăng cường quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 12 Luật Phòng, chống rửa tiền.

Đối với hành vi không xây dựng quy định phân loại khách hàng, không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền theo quy định của pháp luật thì phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng. Đối với hành vi không có hệ thống quản lý rủi ro để xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị theo quy định tại các Khoản 2, 3 Điều 13 Luật Phòng, chống rửa tiền thì phạt tiền từ 100 - 150 triệu đồng. Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi không rà soát khách hàng và các bên liên quan theo các danh sách cảnh báo trước khi thiết lập mối quan hệ hoặc cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng.

Đối với hành vi không báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố quy định tại Điều 30 Luật Phòng, chống rửa tiền thì phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng. Đồng thời, phạt tiền từ 40 - 80 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Không áp dụng các biện pháp quy định tại Điều 14 Luật Phòng, chống rửa tiền khi thiết lập quan hệ ngân hàng đại lý với ngân hàng đối tác nước ngoài; không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật khi có khách hàng và bên có liên quan nằm trong các danh sách cảnh báo.

Hành vi không giám sát đặc biệt đối với các giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vũng lãnh thổ nằm trong danh sách do lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố nhằm chống rửa tiền hoặc danh sách cảnh báo theo quy định tại Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền sẽ phạt tiền lên đến 200 triệu đồng. Còn đối với hành vi không báo cáo đúng thời hạn quy định tại Điều 26 Luật phòng, chống rửa tiền; không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn; không báo cáo các giao dịch đáng ngờ; không báo cáo các giao dịch chuyển tiền điện tử sẽ bị phạt từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng…