Siết chặt những kẽ hở pháp lý

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Trước thực trạng gia tăng số vụ việc buôn lậu, trốn thuế, Bộ Tài chính đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống vi phạm quản lý thuế giá trị gia tăng (GTGT), do đích thân Bộ trưởng làm Trưởng ban, nhằm đấu tranh và xử lý kịp thời những hành vi sai phạm. Song song với đó, các chuyên gia tài chính cho rằng, cần sớm siết chặt những kẽ hở pháp lý để tránh tình trạng tội phạm lợi dụng, trục lợi tiền thuế.

 Siết chặt những kẽ hở pháp lý
Hoàn thuế giá trị gia tăng còn gặp phải những vấn đề nan giải. Nguồn: internet
Những"điểm đen" gian lận

Lợi dụng chính sách thông thoáng của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động thương mại và hội nhập kinh tế, tình trạng gian lận thuế, trong đó có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT diễn ra khá phổ biến. Riêng trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã khởi tố 5 vụ buôn lậu, trốn thuế.

Ngày 23/9 vừa qua, cơ quan hải quan ra quyết định khởi tố Công ty cổ phần Rượu Hà Nội (Halico) về hành vi xuất khống tiền hoàn thuế có tổ chức. Ngày 3/10, Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn đã bị khởi tố với hành vi xuất khống hàng hóa, chiếm đoạt hơn 2,3 tỷ đồng tiền thuế GTGT. Ngày 16/10, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Việt Nam bị khởi tố về hành vi khai man hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 1 tỷ đồng. Ngày 22/10, Công ty TNHH Esprinta Việt Nam (Bình Dương) bị khởi tố về hành vi giả mạo dấu, chữ ký của công chức hải quan để hợp thức hóa hồ sơ, trốn thuế hưởng lợi bất chính.

Ngày 24/10, Công ty TNHH quốc tế Sao Bắc (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) bị khởi tố vì hành vi làm giả chứng từ, giấy tờ hải quan buôn lậu 439 kiện rượu ngoại. Trong 5 vụ nêu trên, đáng chú ý là trường hợp Công ty cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn hoạt động buôn lậu, chiếm đoạt tiền thuế có tổ chức, diễn ra trong thời gian dài. Từ năm 2012 đến nay, doanh nghiệp này đã mở trên 133 tờ khai hải quan, làm thủ tục hoàn thuế GTGT gần 100 tỷ đồng từ hoạt động xuất khẩu (XK) thuốc lá, rượu, bia… sang Campuchia.

Theo Tổng cục Hải quan, tuyến biên giới cửa khẩu đường bộ (trọng điểm là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Kiên Giang) có dấu hiệu nhiều đối tượng xuất khống, quay vòng hàng hóa, ngoại hối… làm thủ tục hoàn thuế GTGT nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Các mặt hàng XK để hoàn thuế GTGT chủ yếu là nông, lâm, thủy, hải sản, vật liệu xây dựng, điện thoại di động…

Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) tại nhiều địa bàn biên giới Trung Nam bộ cũng có dấu hiệu tăng đột biến, số doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế GTGT tăng nhanh bất thường. Điển hình tại tỉnh An Giang, thống kê của cơ quan hải quan cho thấy, kim ngạch XK một số mặt hàng sang Campuchia gia tăng rất nhanh. Tại cửa khẩu Bắc Đai, kim ngạch XK 6 tháng đầu năm 2013 đạt gần 131,5 triệu USD (tăng so hơn 56,8 triệu USD so với cùng kỳ năm trước).

Tại cửa khẩu Khánh Bình, kim ngạch XK đạt hơn 179,7 triệu USD (tăng hơn 82 triệu USD). Trước tình hình này, hải quan An Giang đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn, phát hiện 11 doanh nghiệp xuất khống, xuất thiếu hàng hóa so với khai báo trên tờ khai, tổng trị giá khoảng hơn 1,4 tỷ đồng. Nếu trót lọt gian lận những doanh nghiệp này sẽ được hoàn thuế GTGT 10%/tổng trị giá hàng xuất khống.

Siết chặt những kẽ hở pháp lý

Thực tế cho thấy, gian lận hoàn thuế GTGT diễn ra phức tạp có nguyên nhân từ sự sơ hở của chính sách thông thoáng. Một số đối tượng vi phạm làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, thuê kho bãi, mua hàng hóa tượng trưng, mua hóa đơn đầu vào để hợp lý hóa số hàng sẽ XK. Sau đó làm thủ tục hải quan để có xác nhận thực xuất làm căn cứ hoàn thuế GTGT, làm thủ tục hoàn thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc thành lập, giải thể doanh nghiệp hiện nay khá đơn giản, dễ dàng. Đối tượng chỉ cần chứng minh thư, trụ sở thuê, giám đốc thuê là có thể dễ dàng thành lập doanh nghiệp. Trong khi đó, quy định của ngân hàng cho phép người nước ngoài mở tài khoản vãng lai để thanh toán tiền hàng hóa XNK bằng VND đã làm nảy sinh khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc quản lý hàng XK.

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, những năm đầu thi hành luật thuế GTGT, đã xảy ra tình trạng gian lận hoàn thuế đặc biệt là với hàng nông sản XK. Vì vậy, năm 2002, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bãi bỏ việc khấu trừ khống thuế GTGT đầu vào. Chính phủ cũng ban hành quy định chặt chẽ hơn về điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng XK thì phải thanh toán qua ngân hàng. Luật thuế GTGT sửa đổi năm 2008 đã bổ sung quy định giao dịch mua hàng trên 20 triệu đồng phải thanh toán qua ngân hàng mới được khấu trừ thuế GTGT.

Năm 2012, hành vi gian lận hoàn thuế GTGT ngày càng tinh vi, phức tạp hơn trước, Luật thuế GTGT sửa đổi, bổ sung đã kéo dài chu kỳ xác định số thuế đầu vào chưa khấu trừ hết từ 3 tháng lên 12 tháng mới được hoàn thuế; nâng ngưỡng tối thiểu được hoàn thuế từ 200 triệu lên 300 triệu đồng, áp dụng đối với trường hợp XK và hoàn thuế cho dự án đầu tư. Đầu năm 2013, trước tình hình chiếm dụng tiền hoàn thuế GTGT đối với hàng nông sản XK qua biên giới Tây Nam diễn ra phức tạp, Bộ Tài chính đã yêu cầu Cục Thuế các tỉnh tăng cường kiểm tra trước khi hoàn thuế đối với các trường hợp có rủi ro cao.

Theo các chuyên gia tài chính, nên siết chặt công tác quản lý thuế GTGT theo hướng củng cố vai trò tạo lập nguồn thu cho ngân sách của thuế GTGT cho phù hợp với khả năng quản lý thuế. Để thực hiện cần siết chặt điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT, củng cố nguồn thu quan trọng cho ngân sách và tập trung phát triển năng lực thanh tra thuế để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế.