Siết chặt quản lý rủi ro
Với quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) tăng từ 8% lên 9%, hệ số rủi ro cho vay chứng khoán và bất động sản lên đến 250%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang siết chặt quản lý rủi ro và hạn chế cho vay chứng khoán, bất động sản. Đây là những quy định trong Thông tư 13/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10 tới.
Theo thông tư 13, tổ chức tín dụng, trừ chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phải duy trì tỷ lệ CAR) mức 9% giữa vốn tự có so với tổng tài sản “Có” rủi ro của tổ chức tín dụng (tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ). Tỷ lệ 9% này đồng thời áp dụng trên cơ sở hợp nhất vốn, tài sản của tổ chức tín dụng và công ty trực thuộc, gọi là tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất. Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng giám đốc VCB cho rằng, việc ngân tỷ lệ CAR lên 9% thời điểm này là hợp lý, phù hợp với thế giới. Hiệp ước vốn Basell II quy định tỷ lệ CAR 8%, nhưng vừa rồi do khủng hoảng, nhiều ngân hàng sụp đổ, nên việc nâng lên 9% nhằm hạn chế rủi ro. Thực tế nhiều ngân hàng trên thế giới đã nâng tỷ lệ này lên 10% đến 12%. Mới đây VCB đã tăng thêm 1.000 tỷ tăng vốn tự có, và còn ý định tăng tiếp: Trong trường hợp Thông tư 13 nâng tỷ lệ CAR lên 9% thì các ngân hàng sẽ khó khăn hơn trong cho vay. Tuy nhiên, theo bà Hà, trước đây có một số NH cổ phần đã không huy động vốn tự có từ cổ đông, mà lại đi huy động trên thị trường liên ngân hàng. Việc này thì dẫn đến rủi ro với cả hệ thống ngân hàng, vì vốn vay liên ngân hàng thường thời gian vay ngắn. Thông thường việc vay mượn trên thị trường liên ngân hàng chỉ nhằm hỗ trợ thanh khoản, chứ không cho vay doanh nghiệp, cá nhân hay cho vay nền kinh tế được. Trong khi vốn tự có lớn thì ngân hàng mới đảm bảo an toàn được. Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước, cũng đồng tình với việc nâng tỷ lệ CAR lên 9%. Theo ông thì an toàn vốn liên quan đến vốn điều lệ. Nâng lên có cái khó là các ngân hàng phải huy động thêm vốn điều lệ, nhưng trên cơ sở đó tổ chức tín dụng lại được mở rộng tín dụng. Vậy việc áp dụng tỷ lệ CAR thời điểm này có gây khó khăn gì đối với các ngân hàng nhỏ hay không? Ông Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng tín dụng Hội sở chính Ngân hàng phát triển Nhà ĐBSCL cho rằng: “Theo chu kỳ, từ tháng 9 trở đi, cầu tín dụng rất cao do nhu cầu mua dự trữ hàng hóa, sản xuất kinh doanh. Nếu nâng tỷ lệ CAR lên 9% thì lượng tiền cung ra sẽ giảm đi. Những ngân hàng có tiềm lực vốn thì còn tiếp tục mở rộng tín dụng. Những ngân hàng nhỏ, vốn ít, sẽ khó khăn hơn. Lúc này, muốn đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế, NHNN phải bơm tiền ra thông qua cho các ngân hàng vay theo hình thức tái cấp vốn. Như vậy có thể nâng tỷ lệ CAR ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, đặc biệt ngân hàng nhỏ từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, cũng không hề sốc với các ngân hàng, vì dù sao hạn chót đến 31/12 năm nay, các ngân hàng cũng phải nâng vốn điều lệ lên tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Khi đó, phần tử số của công thức tính tỷ lệ CAR tăng lên, trong khi mẫu số chưa tăng ngay, cũng sẽ giúp tỷ lệ CAR tăng lên. Về quy định nhóm tài sản “Có” có hệ số rủi ro 250% đối với cho vay bất động sản và chứng khoán, theo tiến sỹ Nguyễn Đại Lai, Trung tâm thông tin tín dụng, có thể làm các ngân hàng bớt lãi: “Hệ số rủi ro tài sản “Có” quá lớn, sẽ làm tài sản “Có” sinh lời nhỏ đi và lợi nhuận nhỏ đi. Tức ngân hàng phải giữ lại nhiều vốn đề phòng rủi ro, và vốn này không sinh lời. Trong thông tư 13 quy định hệ số rủi ro nhóm tài sản “Có” là 250%. Theo ông Lai, thực chất đây là động thái nhằm kiểm soát hoạt động cho vay hai lĩnh vực nhạy cảm là chứng khoán và bất động sản”. Cùng có quan điểm tương tự, ông Trần Ngọc Hải, Ngân hàng MHB, đưa ra phân tích cụ thể, nếu huy động 2,5 tỷ đầu vào lãi suất 11%, sau đó lấy ra cho vay bất động sản hay chứng khoán 1 tỷ đồng, thì khả năng thanh khoản phải nâng lên 2,5 lần. Và khi đó, ngân hàng phải tính toán mức lãi suất khoản cho vay 1 tỷ với dự án bất động sản hay chứng khoán bù đắp được khoản chi phí huy động 2,5 tỷ ban đầu. Rất có thể, lãi suất cho vay 1 tỷ phải lên đến 17% đến 18%, khiến cho vay chứng khoán và bất động sản sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, Bà Dương Thu Hương- Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, mức quy định hệ số rủi ro 250% như thế là theo thông lệ quốc tế. Quan điểm của Hiệp Hội ngân hàng Việt Nam là đồng tình với quy định của thông tư 13, và cho rằng, bằng mọi cách nên đạt được tỷ lệ này. Tuy nhiên, mong muốn của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam là NHNN nên quy định cụ thể hơn từng khoản mục chứng khoán hay bất động sản thì sẽ hợp lý hơn.