“Siêu pháo thủ” đường 9 ngày ấy
Một mình một pháo, nổ súng diệt thù giữa chiến trường, làm thay phần việc của 4-5 chiến sĩ khác; xông pha cứu pháo và có rất nhiều sáng kiến, ông Tạo, cựu giảng viên Học viện Tài chính từng được coi là “siêu pháo thủ” ở mặt trận Đường 9-Nam Lào…

Ông Nguyễn Văn Tạo sinh năm 1947, quê ở huyện Mê Linh, Hà Nội. Hiện nay, ông sống cùng gia đình tại nhà CT1, đường Phạm Văn Đồng, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1970, ông Tạo đang là sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Mỏ-Địa chất thì có lệnh nhập ngũ. Ông và gần 200 sinh viên cùng trường tòng quân, lên đường ra mặt trận. Sau một thời gian huấn luyện, ông được phân công về Đại đội 4, là đơn vị pháo lớn 122mm, Tiểu đoàn 2, Đơn vị B5, Binh chủng Pháo binh. Đơn vị ông được lệnh ra mặt trận, tham gia chiến đấu tại Mặt trận Đường 9-Nam Lào và Quảng Trị.
Ông Tạo xúc động kể lại những kỷ niệm không quên một thời của lính đại pháo, được tham gia chiến đấu tại mặt trận: “Năm 1971, ăn Tết xong thì đơn vị tôi dùng xe xích kéo pháo 122mm, được lệnh hành quân vào miền Nam đánh giặc. Vì là Trung đoàn pháo binh dự bị chiến lược, nên chúng tôi đoán phen này sẽ tham gia đánh lớn. Chúng tôi ngồi trên xe xích kéo pháo, đi từ Vinh, Nghệ An vào đến Quảng Bình, đi tiếp đến biên giới Việt-Lào, đi trở về Quảng Trị, ngày nghỉ, đêm đi, mất 6 đêm thì đến mặt trận”.
Được cấp trên thông báo thời gian rất gấp, nên đơn vị ông bắt tay ngay vào đào công sự, đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Sau 2 ngày chuẩn bị thì có lệnh nổ súng. Đại đội ông có 2 trung đội pháo, nhận nhiệm vụ đánh cứ điểm 500 ở Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, nơi địch đang chuyển quân đến bằng trực thăng. Mỗi lần nổ súng, đơn vị ông đều được đài quan sát báo về là đạn đã bao trùm mục tiêu, tiêu diệt nhiều địch và nhiều trực thăng bốc cháy. Tuy nhiên, khi ta bắn pháo lớn, địch dễ dàng phát hiện được mục tiêu pháo, chúng tập trung đánh phá ác liệt vào trận địa pháo ta, khẩu đội ông đã hy sinh 3 đồng đội (cả khẩu đội trưởng và khẩu đội phó). Có lần, địch ném bom vào trận địa ta, đạn nổ làm bánh lốp xe pháo cháy, ông đã chạy ra xúc đất đổ vào bánh pháo để dập tắt lửa cứu pháo.
Chiến đấu ngày đó tại mặt trận, ông còn có sáng kiến lấy pháo 155mm của địch dùng đánh lại địch. “Tôi thấy có một khẩu pháo của địch để ven rừng bèn đề nghị chỉ huy đơn vị cho tôi được lấy lốp cao su pháo mình thay vào chân khẩu pháo nằm ven đường đó, cho xe kéo về trận địa pháo ta. Như thế là đơn vị pháo tôi có thêm khẩu pháo 155mm của Mỹ, dùng bắn lại vào bọn địch, góp phần tăng thêm hỏa lực mạnh cho quân ta diệt quân giặc” – ông kể.
Nhận lệnh của mặt trận, đơn vị ông kéo pháo vào sâu hơn để bắn vào sân bay Tà Cơn, nổ súng hôm trước thì hôm sau địch phát hiện khu vực trận địa pháo ta. Có lần, máy bay trinh sát địch phóng quả đạn khói trúng vào trận địa pháo ta, để chỉ điểm cho phản lực đến ném bom, ông đã lấy chiếc vỏ bao tải nhúng nước và trùm ngay lên, che kín quả đạn đang bốc khói để bảo vệ trận địa. Địch tiếp tục đánh phá ác liệt những ngày sau đó, có ngày trận địa của ông phải chịu 5 đến 6 trận bom song đơn vị vẫn kiên cường bám trụ, bắn phá sân bay Tà Cơn. Có ngày, khẩu đội của ông đã bắn 70 phát đạn đại bác. Trong điều kiện thiếu người vì phải làm nhiều việc phục vụ chiến đấu, nên có lúc chỉ có một mình ông một pháo, vừa nạp đạn, vừa thao tác phần tử trên pháo để bắn hàng chục viên đạn (bình thường đủ người phải cần có 5 đến 6 người). Tham gia chiến đấu tại Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và được tặng Huy hiệu Bác Hồ.
“Đầu năm 1972, tham gia Chiến dịch Quảng Trị, đơn vị tôi kéo pháo 130 mm vào sâu phía Nam sông Mỹ Chánh, bắn khống chế máy bay địch ở sân bay Phú Bài, tiêu diệt nhiều máy bay. Tôi được Bộ tư lệnh Mặt trận B70 thông báo tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ tại mặt trận cùng với anh Lê Mã Lương. Tuy nhiên, phải đến cuối đến năm 1972, đơn vị tôi chuyển ra Quảng Bình, tôi mới được Chỉ huy trung đoàn gọi lên và trao tặng Huy hiệu Bác Hồ, tặng thưởng cho những người lính xuất sắc nhất…” - ông nhớ lại.
Năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, ông Tạo được chọn đi học chính trị tại Trường Sĩ quan Pháo binh. Ông học chuyên ngành Kinh tế Chính trị, sau được giữ lại ở trường làm giảng viên. Năm 1984, ông chuyển ngành về làm giảng viên dạy bộ môn Kinh tế Chính trị, Khoa Mác - Lê-nin, Trường Đại học Tài chính Kế toán (nay là Học viện Tài chính) cho đến năm 2008 thì nghỉ hưu…