Số đông doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu kỹ năng xuất khẩu
Đây là thông tin được đưa ra tại phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)” do Cục Xúc tiên thương mại, Bộ Công thương tổ chức ngày 31/5 tại Hà Nội.
Thông tin tại phiên họp cho biết, chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các DNNVV Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại (XTTM) địa phương” được ra đời với tổng ngân sách dự án là gần 4 triệu USD.
Trong đó, SECO (Chính phủ Thụy Sỹ) tài trợ 3,3 triệu USD. Sau 5 thực hiện chương trình được đánh giá đã mang lại nhiều cơ hội và cải thiện đáng kể khả năng nắm bắt thị trường cũng như xuất khẩu cho doanh nghiệp trong nước.
Nhờ đó, kể từ tháng 3/2015 đến nay đã có 41 doanh nghiệp xây dựng được kế hoach phát triển xuất khẩu (PTXK) với 103 hợp đồng đã ký kết trong hoặc sau khi tham gia hội chợ thương mại quốc tế và các cuộc họp trao đổi kinh doanh. Trong số 41 công ty xây dựng được kế hoạch PTXK có 20 công ty gia tăng xuất khẩu, 17 công ty gia tăng số lượng khách hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các chuyên gia cũng thừa nhận, vẫn cần nhiều hơn nữa sự tương tác, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhất là DNNVV.
Bởi nhìn chung các doanh nghiệp này vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ năng xuất khẩu để đáp ứng một số yêu cầu quan trọng của thị trường quốc tế. Bà Miriam Garcia- Ferrer , Tham tán thứ nhất, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, việc Việt Nam tham gia nhiều các hiệp định thương mại tự do, đồng nghĩa các doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng lợi do cắt giảm các dòng thuế.
Tuy nhiên, có tận dụng được các cơ hội này hay không còn phụ thuộc vào việc hiểu biết về thị trường. Chính vì thế, chương trình không chỉ giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin về thị trường mục tiêu mà còn chỉ ra các thách thức mà doanh nghiệp sẽ gặp phải nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao của các nước.